Đã lâu lắm rồi, cách đây vài thế kỷ việc truyền thừa về giáo lý Mật tông hầu như không còn ai truyền thừa mà chỉ dạy đơn thuần từng bộ môn của từng vị Bồ Tát nào đó. Cho nên những người tu Mật tông hoàn toàn không nắm vững được cái giáo của Mật tông. Cái Giáo mà không nắm vững được thì cái Lý,cái Hạnh, cái Quả đều không làm được. Vì vậy cho nên có nhiều hành giả, nhiều bậc tri thức lăn xả vào nghiên cứu tu học về bộ môn Mật tông này đã không gặt hái được kết quả tốt đẹp. Không những thế còn gặp nhiều chướng duyên khiến cho phải bỏ ngang, không thể tiếp tục được. Vì vậy cho nên bất cứ chúng ta tu học về pháp môn nào thì giai đoạn đầu chúng ta phải thông hiểu. Tức là chúng ta phải nắm được cái giáo, phải hiểu được cái lý, rồi lúc đó chúng ta mới tu tập để cuối cùng chúng ta đạt được kết quả một cách viên mãn.
Trong tất cả các môn pháp khác của chư Phật, chẳng hạn như Thiền tông, Tịnh độ tông và các Tông phái khác như là Thiên Thai tông... đều có giáo và truy lý rất là sâu xa. Nhưng ngặt một điều, ở nơi tâm của chúng sinh sở chấp sai biệt nghiệp chướng cũng sai biệt, mà chính nghiệp chướng này là cái cản ngăn làm cho hành giả không thể tiếp bước,mà nghiệp chướng đó nặng nề vô cùng. Có ba điều ảnh hưởng cho các hành giả tu học ngày nay là.
Điều thứ nhất: Vào thời kỳ mạt pháp này nghiệp chướng của chúng sinh rất là nặng. Hoàn cảnh từng chúng sinh một cũng rơi vào nhiều rắc rối, ràng buộc về chuyện đời sống công việc làm. Thậm chí đến những thời kỳ cuối của thời mạt pháp, những việc về thiên tai địa ách cũng là một vấn đề làm cho tất cả hành giả tu tập đang bị rơi vào tai trời ách nước đó đã phải ngừng tu tập, bị trôi lăn trong sự đau khổ. Cũng chính vì lẽ đó làm cho hành giả mất đi niềm tin với pháp môn tu của mình, mất đi niềm tin đối với Phật pháp. Vì thế đối với thời kỳ mạt pháp này phải nói là một sự khó khăn vô cùng. Sự khó khăn này đã làm cho tất cả những người có tâm tu, những người có tâm hướng về Phật pháp, có tâm cầu đạo vô thượng Bồ Đề đã không còn đủ sức mà tu tập vì bị phiền não chướng, nghiệp chướng luôn luôn ập tới làm cho hành giả bị xao động tâm, làm cho hành giả không tiến bước được trên con đường tu tập.
Điều thứ hai: Ở trong thời kỳ mạt pháp này, để tìm một vị thầy giảng dạy cho chúng ta về Mật hay Thiền hay Tịnh cũng là rất hiếm. Có chăng thì có những vị dạy ở quãng giữa, có vị thì dạy pháp môn tu mà lại không hoàn chỉnh về mặt lý, có vị thì nắm vững lý nhưng mà lại không hiểu biết hay có kinh nghiệm về pháp hành. Rõ ràng chúng ta rơi vào thời kỳ hết sức là đen tối, mặc dầu Phật pháp thì luôn hằng hữu, kinh điển của Phật vẫn luôn dư thừa, các Chùa chiền vẫn mọc lên, các Pháp Sư nhiều hơn hồi xưa rất nhiều, các lớp giảng dạy ở trong nước cũng như ngoài nước đều rầm rộ phát triển. Nhưng thực tế ra sự gặt hái về việc tu tập của các hành giả đều rơi vào bế tắc.Những vị có tâm huyết truyền thừa Phật Pháp ở trong thời đại này cũng rất là khó khăn. Bởi vì phương tiện về mặt vật chất thì dư thừa, nhưng mà căn cơ, hoàn cảnh tức là nghiệp của các chúng sinh đang bị bao bó đang bị cột chặt, đang bị rơi vào trong sự khổ sở, vì thế cho nên khó lòng mà lĩnh hội, cũng như không có thì giờ để mà ngồi tu tập vì miếng cơm manh áo. Trong thời kỳ này gọi là thời kinh tế thị trường. Hơn thế nữa với sự khó khăn và nghèo túng đã làm cho Nhân tính của con người không được hoàn chỉnh mà Nhân tính không hoàn chỉnh thì con đường tu tập của chúng ta cũng khó có thể hoàn chỉnh. Nhân đạo là cái căn bản để chúng ta bước tiếp. Nếu mà Nhân đạo trong chúng ta chưa hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều chướng duyên, càng tạo nhiều chướng duyên thì chúng ta càng bị quả báo nhanh, nhất là cái thời kỳ này thì quả báo gia tốc rất nhanh. Nó làm cho chúng ta bị chướng duyên rất nhiều, làm chúng ta rơi vào tình trạng không thể tu tập nổi.
Tất cả mọi pháp môn của Phật thì giáo - lý đều đầy đủ mà cái hạnh tu chưa chắc đầy đủ. Bởi vì hạnh tu nó đòi hỏi người thầy hướng dẫn phải trải qua kinh nghiệm, để từ đó lấy những cái kinh nghiệm đấy giải trừ các lý bí mà các hành giả đệ tử của mình bị vướng mắc, không khéo thì chúng ta rơi vào ma sự, không khéo chúng ta tu không đúng để lạc vào ngoại đạo. Điều đó đã xảy ra.
Hơn bao giờ hết thời kỳ mạt pháp này các pháp môn đẻ ra rất nhiều, Thiền hay Tịnh thì cũng rất nhiều,Mật tông cũng vậy. Người đời chúng ta thời kỳ này không biết lựa cái chỗ nào, cho nên đây cũng gọi là cái vô phước của chúng ta. Tất nhiên là trong cái thời kỳ này cũng có những đại nguyện của các vị hành Bồ Tát đạo người ta vẫn hướng về phụng sự chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp. Nó đòi hỏi phước duyên của hành giả như thế nào, để rồi người ta khai thị cho mình, dạy dỗ cho mình tu đúng pháp , từ đó chúng ta lấy cái căn bản làm tiền đề để phát triển sự tu tập.
Cũng như vậy đối với Mật tông thì càng bí hiểm hơn, bí hiểm bởi vì các vị đứng ra truyền thừa không có đường lối nào rõ ràng cả, mỗi Thầy thì truyền một pháp môn. Người thì thích Chuẩn Đề, người thì thích Dược Sư , người thì thích Lục Tự Đại Minh, người thì thích Uế Tích Kim Cang hoặc là những hệ Kim Cang khác, không có đường hướng rõ ràng. Ai cũng nói rằng là pháp môn của mình tối thắng, ai cũng nói pháp môn này thỏa mãn mọi sở cầu của chúng sinh... Nhưng thực tế, qua những cuộc đi cầu đạo của chúng ta ngày hôm nay, chúng ta được nhiều sự hứa khả nhưng mà chúng ta không đạt được điều gì. Thậm chí cảm thấy hoàn cảnh cuộc sống càng ngày càng bị thắt ngặt, khó khăn, đến nỗi mà chúng ta không thể ngồi thiền hay niệm chú được bởi chúng ta mòn mỏi, chúng ta đã thất trí, đây là một sự bức xúc rất lớn. Hôm nay tôi cũng nói thẳng với các vị rằng, phương pháp tu Mật tông không phải 3 tháng 6 tháng hay 1 năm mà đạt được. Bởi vì tiến trình của một sự tu tập nào nó cũng phải có thứ lớp của nó. Và khi nó đạt đến mức độ nào đó thì mới được gọi là Như ý pháp. Nếu chúng ta vội vàng niệm chú 3 ngày, 5 ngày hoặc 1 tháng, 3 tháng hoặc 1 năm hay 3 năm mà chúng ta cho rằng là chúng ta phải đạt được thế này thế kia thì chúng ta đã rơi vào mộng tưởng. Rơi vào mộng tưởng rồi mà chúng ta không đạt được sở nguyện của mình thì chúng ta sẽ giã từ pháp môn này bởi vì 3 điều sau:
Thứ nhất, ngày hôm nay chúng ta phải hiểu một điều chúng ta sinh ở thời mạt pháp này là nghiệp chướng của chúng ta đã nặng nề rồi. Nếu nghiệp chướng mà nhẹ nhẹ thì chúng ta sinh vào thời khác, chứ không phải là cái thời mạt pháp cuối cùng này, mạt mà còn là mạt mạt. Một khi mà nghiệp chướng nặng nề như thế này, phải rơi vào thế gian này, phải chịu trả quả, phải chịu nhiều cái sự đau khổ, nhiều cái cơn thắt ngặt, chịu nhiều tai nạn. Chúng ta tin tưởng vào Mười Phương Chư Phật, tin tưởng vào lòng từ bi , sự cứu độ của các Ngài, nhưng chúng ta quên rằng chúng ta nghiệp quá nặng.
Điều thứ hai, chúng ta hướng về Phật pháp mà chúng ta không có tư tưởng cầu giải thoát, lại chỉ cầu để đầy đủ pháp thế gian, nhưng mà quên mất là chúng ta xuống đây là chấp nhận để trả quả.
Điều thứ ba: Bản thân người cầu Pháp ở thời đại này quá vội vàng, cái gì cũng chỉ thích vội vàng ,mong muốn đạt được nhanh chóng . Chính cái mong muốn đó nó đã là một nguyên nhân làm cho chúng ta không thành công được điều gì cả. Vì chúng ta loạn động quá. Nhưng ngược lại chúng ta lại quay ngược chấp trở lại các pháp, các chư Phật chư Đại Bồ-tát hoặc là Pháp môn của các Ngài là không biết có thật hay không, có được hay không, có đúng như vậy không... mà chúng ta quên xem lại tâm của chúng ta có tương ứng hay không? Chúng ta giải quyết nghiệp của chúng ta nhẹ bớt phần nào được hay không? Không một vị Bồ Tát nào, không một vị thần nào mà ủng hộ 1 tâm chúng sinh luôn luôn chao đảo, luôn luôn bất nhất.
Với tâm hồn chao đảo, bất nhất niềm tin yếu kém, thì làm sao có sự ủng hộ. Mới niệm câu chú có nửa năm 6 tháng hay một năm mà đã muốn có chư Long Thần Hộ Pháp xuống ủng hộ đó là chuyện phi lý. Bởi vì chúng ta chưa có đủ công phu, chưa có địa vị nào, chúng ta chưa có một cái gì xứng đáng để người ta ủng hộ chúng ta cả. Sự ủng hộ của chư Long Thần Hộ Pháp là sự phát tâm của các vị đó, chứ không phải là một sự trao đổi, mà chúng ta nghĩ rằng tôi tu rồi thì các ông phải xuống ủng hộ tôi. Nếu chúng ta cho rằng là tôi tu thì các vị phải ủng hộ tôi, vậy thì tội nghiệp mấy ông ấy quá. Vậy ai đề nghị mấy ông ấy ủng hộ mình hay là anh tu nhưng mà anh chỉ tu với cửa miệng thôi, anh tu trong cái cầu khẩn hay tu trong ảo tưởng mơ mộng thì làm sao mà tâm anh tương ứng với chư vị để người ta xuống ủng hộ. Chính vì cái chỗ này mà hôm nay chúng ta lấn cấn giữa cái tha lực và cái tự lực của con người chúng ta. Tự lực của mình thì rất ít nhưng mà mình thì đòi hỏi lại là nhiều. Mới lạy Phật có một đêm hôm thì ngày mai cầu việc gì có ấn chứng liền. Mới nhận chú có một tuần mà đòi là phải có ấn chứng này ấn chứng nọ, thì các vị thử nghĩ lại xem mình như thế nào. Cái tâm địa của chúng sinh ở trong thời kỳ mạt pháp là điều chúng ta phải chỉnh đốn. Chúng ta phải sửa đổi lại cái tâm của chúng ta để cho nó khế hội với cái sự tu hành, thì lúc đó chúng ta mới tiến bước tu hành được.
Qua quá trình tu học hành pháp và qua quá trình giao du khắp nơi, nhận biết nhận biết nhiều bậc thiện tri thức, nhận biết được nhiều vị tu tập đã bị rơi rớt quá nhiều, uổng cho một kiếp của mình trong một đời, uổng cho một công trình tu tập. Chúng tôi hướng dẫn trao truyền pháp tu của Pháp Hệ Liên Hoa ngưỡng mong rằng tất cả quý vị sẽ hiểu rõ về pháp môn Mật tông, sẽ biết rõ về pháp tu tập, hiểu được lý một cách tròn đầy, để làm kim chỉ nam cho việc tu tập của mình, và biết được phương pháp như thế nào để sửa đổi tâm mình cho khế hội với phương pháp tu đó. Chúng ta phải hiểu một điều quan trọng này, đừng tưởng ở bên Tây Tạng họ tu tập phát sinh được thần thông mà cho rằng họ chứng đạo. Chúng ta mà hiểu thần thông là chứng đạo là điều sai lầm. Chúng ta phải nhớ rằng cái việc tu đạt đến có thần thông khác với việc chứng đạo. vì thế cho nên nếu người nào nói rằng bên Tây Tạng người đó tu đạt được thần thông cho nên họ đạt đạo, đạt được pháp môn này pháp môn kia, thì chúng ta đã lầm lẫn. Pháp môn của Mật tông không phải là pháp môn giúp cho chúng ta có thần thông. Đây không phải là mục đích cuối cùng của mật tông mà mật tông có mục đích tối hậu là giúp cho tất cả những hành giả đạt được ngũ trí. Đấy là: Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí, Đại viên cảnh trí và Pháp giới thể tánh trí. Chứ không phải mật tông là luyện thần thông cũng giống như luyện bùa phép, mục đích của Mật tông tối hậu như thế. Mật tông còn muốn giúp cho tất cả mọi người tu tập giải được nghiệp chướng, thành tựu được Tam thân, đó là chỗ rốt ráo của Mật tông.
Vậy thì chúng ta phải hiểu mục đích của Mật tông cũng chỉ muốn chúng ta thành tựu được Ngũ trí, cũng chỉ muốn chúng ta thành tựu được Tam thân, muốn chúng ta thành tựu được đầy đủ Công đức và các Hạnh nguyện. Nếu hiểu đúng như thế rồi vậy thì ngày hôm nay chúng ta chớ nên khởi những mong cầu khác. Nếu chúng ta khởi những mong cầu khác thì chúng ta sẽ bị lạc ngay tức thì. Nếu chúng ta biết được cái mục đích này là mục đích chính, thì chúng ta phải hướng tâm vào đó như vậy những việc khác chúng ta không cần cầu nhưng do oai năng bất khả tư nghì của chú pháp sẽ làm cho chúng ta thành tựu được những việc khác, mà những việc khác đó chúng ta không ngờ. Chúng ta phải nắm rõ điều này, nếu không nắm được cái lý này thì quý vị sẽ rơi vào chỗ Mật tông là có thần thông biến hóa, mật tông là có thần lực, mật tông là khai mở cái này cái kia... Tất cả những cái gọi là khai mở cái này cái kia, khai mở nhãn, nhĩ hay là thần lực hay là tất cả những loại thần thông khác, tất cả những điều đó chỉ là pháp phương tiện nhất thời của người tu Mật tông đạt được ở một cảnh giới nào đó mà nó phát sinh. Sự phát sinh này cũng chỉ là một hiện tượng, vì thế thần thông cũng chỉ là một hiện tượng giống như tất cả pháp tướng khác nhưng mà sự diễn biến nó có tính chất là như ý hơn và có thể làm lớn chuyện hơn. Nhưng mà thực tế thì cũng chỉ là một hiện tượng mà hiện tượng đó cũng là thần thông. Thần thông không phải là một cái gì thực tế vì thực tế tức là bản tâm của chúng ta, tức là đại trí huệ Tỳ Lô Giá Na chứ không phải thần thông là cái chúng ta đi đến, là đích đến. Vì vậy cho nên tất cả mọi pháp trong vũ trụ này, nếu chúng ta thấy được rằng nó có hiện tướng, chúng ta có thể cảm nhận được hoặc chúng ta có thể thấy được, hoặc chúng ta có thể nghe được, ngửi được, nếm được, chạm xúc được thì tất cả những thứ đó đều là tướng ảo hóa không thật . Mà một khi tướng ảo hóa không thật mà chúng ta lại chấp rằng cái tướng thần thông, cái tướng biến hóa là thật, là một cái chỗ để chúng ta xu hướng tới vậy thì đây là một điều tai hại lớn. Chúng ta đi ngược lại với chân lý chân thật, cái mà thật sự chúng ta muốn tìm.
Chúc các hành giả luôn tinh tấn trên con đường tìm cầu giác ngộ.
Mật Liên Đăng
_______________
Nếu Bạn Gieo Niềm Tin
Bạn Sẽ Gặt Phép Màu