Đôi điều về Thọ Lạc từ góc nhìn của Cư sĩ
(VHPGO) Theo quan kiến của Phật giáo Đại thừa (Hiển giáo và Mật giáo) người tu chánh niệm 3 yếu tính giác ngộ, tựa như kiềng 3 chân, đó là XẢ LY, BỒ ĐỀ TÂM, TRÍ TUỆ TÁNH KHÔNG. Tuy nhiên, tuỳ theo căn cơ và trình độ của mình, người tu nên hiểu những gì cần xả ly, nhất là ngũ dục, còn gọi là dục lạc (sắc, thanh, hương, vị, xúc)…
KỲ 1 – CÓ THỂ LÀ LY MÀ CHƯA XẢ?
Dường như những người có đạo tâm, nhưng không hiểu cội nguồn của bất mãn thường nhầm lẫn xả ly dục lạc, như một sự chối bỏ hay trốn tránh nó, nhằm tìm “an lạc” cụ thể là “cái ăn”, sau đó là “cái mặc”, và cuối cùng là mong rời bỏ “môi trường sống” ồn náo, chuyển về chỗ thôn quê hoặc nơi cận sơn hẻo lánh. Giả sử vì sợ mùi xú uế của đống rác lớn, ta dọn nhà đến ở gần đống rác nhỏ, lúc ấy có thể nào thoát được ảnh hưởng? Hoặc chúng ta bỏ phố vào núi rồi tuyên bố : “Tôi chối bỏ hoàn toàn đời sống trần tục” . Xa rời như vậy cũng có thể gọi là LY, chứ không phải là XẢ!
Cá biệt, một số Phật tử khi “xả ly” như vậy gây ảnh hưởng hoà khí gia đình, trong quan hệ chồng vợ. Họ chưa thể có tinh thần “tuỳ thuận chúng sanh” mà chỉ riêng mình khư khư nắm giữ “kiến chấp” của mình mà cho đó là đúng chánh kiến. Thực ra đây chỉ là sự phơi bày phiến diện trong bức tranh giáo điển toàn cục của Phật giáo, nhất là ở phương diện cảm thọ ngũ dục, và sâu xa hơn nữa là lạc thọ. Trong bài viết của mình: “”Giáo lý Phật dành cho cư sĩ: Kho báu ẩn tàng”, thượng toạ Basnagoda Rahula (tỳ kheo Phật giáo Nguyên thuỷ Thái Lan) khẳng định: Trong thọ lạc, tức là sự thỏa mãn về thân, ngữ, tâm; Phật không bảo lạc của cõi này là không nên thụ hưởng, cõi kia là nên thụ hưởng; hoặc lạc của đối tượng này tạo ra là tốt, kia là xấu… Phật dạy những cư sĩ tại gia thọ lạc như thế nào là tốt, tốt hơn và tốt nhất. Ngay chính đại sư Liên Trì, vị tổ Tịnh độ tông Phật giáo Đại thừa cũng không bài bác dục lạc, ngài nhận xét về phương diện thọ lạc như sau: “Vui thú dục lạc không bằng vui thú điền viên. Vui thú điền viên không bằng đó đây du sơn ngoạn thuỷ. Vui thú du sơn ngoạn thuỷ không bằng đọc sách thánh hiền. Đọc sách thánh hiền không bằng tịnh tâm tu tập”. (trích “Phật học tinh hoa” hoà thượng Thích Thiền Tâm).
Sự thật khi Đức Phật tại thế, trong những lần khai thị cho hội chúng cư sĩ, Ngài không phủ nhận hạnh phúc đời thường. Ngài cho rằng có hai loại hạnh phúc; một là hạnh phúc khi thoả mãn dục lạc; hai là hạnh phúc khi xả ly dục lạc; loại hạnh phúc thứ hai thì tốt hơn. Đồng thời Ngài cũng chỉ rõ có hai loại hạnh phúc trong đời sống con người: Một là hạnh phúc của đời sống tại gia; hai là hạnh phúc xuất gia, trong đó hạnh phúc thứ hai là tốt hơn.
Thế nhưng khi có vấn đề liên quan đến đạo Phật, người ta thường đề cập đến “Tứ diệu đế” (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), là bài pháp đầu tiên Ngài dạy cho năm đạo sĩ huynh đệ Kiều Trần Như, vốn là những vị đã có trình độ tâm linh rất cao, từng đồng tu với đạo sĩ Gautama (Đức Phật khi chưa thành đạo). Trong bài pháp này, Ngài đề cập đến những khổ đau của luân hồi sinh tử, khuyên những bậc tu hành xả ly thế sự toàn diện, chuyên tâm toạ thiền, quán chiếu vô thường, tuệ tri về bản chất chân thật của sự vật hiện tượng, để cuối cùng tìm ra chân lý giải thoát. Ngài không dạy những điều đó cho người cư sĩ. Vì vậy, lấy bài pháp “Tứ diệu đế” nhằm hướng dẫn cho đường tu của cư sĩ thì không phù hợp, bởi hai trình độ tâm linh và hai đời sống thường nhật khác nhau. Nhiều Phật tử cư sĩ hoặc tăng sĩ nói với ai cũng đưa giáo lý “Tứ diệu đế” mà đàm luận, cho nên đạo Phật đôi khi bị hiểu lầm là nhuốm màu sắc bi quan, yếm thế.
Khi phân tích về những tướng trạng của lạc thọ chúng ta dễ nhận ra sự quen thuộc của “dục lạc” vì nó liên quan trực tiếp đến “sắc, thanh, hương, vị , xúc ”, kể cả loài vật cũng vậy. Dục lạc bản thân không gây ra hậu quả mà lỗi lầm là bởi chúng ta bám chấp, phụ thuộc vào nó. Thực ra, trên bình diện hạnh phúc và khổ đau Phật dạy từng đối tượng khác nhau có những pháp nhũ khác nhau. Do vậy, là tu sĩ hay cư sĩ, khi theo Phật, đọc giáo lý của Ngài, chúng ta nên suy gẫm, sau đó thực hành và cuối cùng là ứng dụng đúng theo quỹ đạo chánh pháp (tức là quy trình của Văn, Tư, Tu). Giả sử Phật dạy pháp cho tỳ kheo thì không thể đem áp đặt qua cư sĩ, hoặc ngược lại. Vì vậy nên Phật có quy định giới cho từng đối tượng đệ tử của Ngài. Chẳng hạn như giới thứ 3 trong 5 Biệt giải thoát giới là “cấm tà dâm”, chỉ dành cho cư sĩ, người có đời sống vợ chồng. Nhưng Phật chế giới dành cho tỳ kheo là “cấm dâm dục”. Nếu đem giới luật tỳ kheo thứ 3 vào áp dụng cho cư sĩ thì không thể được.
Cũng vậy, trong 5 giới được truyền thọ khi Quy y cho hàng cư sĩ tại gia, Đức Phật khuyên “Không được say rượu”, riêng đối với tu sĩ, Phật dạy: “Không được uống rượu’. Như vậy, con người trước đối tượng của tri giác, đều có những xúc tình tích cực, tuỳ thuộc vào thái độ của mỗi đối tượng khác nhau mà Phật đã dạy trong nhiều kinh luận khác nhau. Nếu nhận xét hay áp dụng sai đối tượng, e rằng chúng ta thiếu chánh tư duy trong ứng dụng thực hành, có thể khiến cho người ta hiểu lầm về giáo lý Phật đà, vô tình mắc phải lỗi lầm trầm trọng như trên, nhất là phương diện cảm thọ.
Chuyện kể rằng một hôm có vị thần núi xin được quy y với thiền sư Nguyên Khuê. Lúc truyền giới ngài nói: Ông giữ được giới “Cấm sát sanh không”, vị thần lắc đầu: “Dạ, không được, nhiệm vụ của con là trừ tà, khử quỷ, làm sao giữ được!”. Ngài Nguyên Khuê nói: “Không phải, ta bảo ông đừng lạm sát là được”. Vị thần liền gật đầu đồng ý. Lát sau khi truyền giới “Cấm tà dâm” vị thần cũng lắc đầu: “Dạ không được, con có vợ và nhiều thê thiếp!”. Ngài Nguyên Khuê dạy: “Ta bảo ông giữ giới này là không được dùng uy quyền để ép duyên người khác vậy!” Vị thần gật đầu đồng ý. Sau đó, lúc truyền giới “Cấm uống rượu”, vị thần lắc đầu: “Dạ, không được, con là thần núi, thọ dụng sung túc, rượu ngon là món ưa thích của con, sao lại không uống được?”. Ngài Nguyên Khuê dạy: “ Ta bảo ông không được say sưa rượu chè, chứ không phải không uống”. Lúc đó vị thần gật đầu đồng ý…
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng tuỳ đối tượng tại gia hay xuất gia mà giới cấm có quy định khác nhau. Đây là điểm quan trọng để khi cư xử trong đời sống hằng ngày người Phật tử, nhất là cư sĩ tại gia cần linh hoạt ứng dụng.
Kỳ 2 – QUAN ĐIỂM CHUYỂN HOÁ
(VHPGO) Trong những pháp môn tu tập của ngoại đạo, các truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ dạy rằng ngũ dục thường gây nhân xấu cho các cảm xúc tham, sân, si, ganh tị, kiêu ngạo, và những xúc tình tiêu cực khác trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Cho nên, chúng được coi là bất tịnh, và phải được coi là độc hại, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải tránh xa! Song, không như cách trình bày trên, chúng ta lại có một cách tiếp cận khác. Nghĩa là dùng những năng lượng xúc tình này chuyển hoá thành năng lực tâm linh, thúc đẩy mở mang trí huệ. Tựa như những người có tài bào chế thuốc có thể biến những giống cây có chất độc thành những bài thuốc tốt.
Truyền thống Phật giáo Đại thừa có chỉ ra phương pháp chuyển DỤC LẠC thành AN LẠC. Để làm được như thế cần hiểu rõ cội gốc của bất an từ đâu? Một khi không thoả mãn tâm ý mình (hiện tượng này Đức Phật gọi là “khổ” (dukkha), chúng ta thường đổ lỗi vào (1) hoàn cảnh (2) ai đó (3) cái gì đó. Ta sẽ thầm trách: “Phải chi có cái đó (hoàn cảnh đó), (người đó) mình sẽ hạnh phúc?”.
Do vậy, ta liền gán lên đối tượng mình bị hấp dẫn, thay vì đúng bản chất và phẩm chất của nó, thành đối tượng lý tưởng, khác xa với thực tính của nó. Một khi đã có mục tiêu chiếm hữu thì ta phải gắng sức. Nếu thất bại là khi đối tượng ngoài tầm tay, ta sẽ đau khổ, bất mãn với mức độ phiền não nhiều hay ít, tuỳ theo mỗi cường độ khao khát của ta. Giả sử nếu thành công, thì cái mà ta chiếm hữu được cũng không đúng như mơ ước ban đầu của chúng ta. Do vậy, sau một thời gian nào đó, ta lại trở nên bất mãn với cái mình đang có bởi sự so sánh, đối chiếu với những cái khác, mà ta nghĩ là hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn. Chẳng hạn như khi còn nghèo, ở nhà thuê phòng trọ, ta mơ ước có một mái nhà, dù nhỏ cũng đã quý rồi! Khi được nhà như vậy, thời gian sau khi đã thoả mãn sự hiện hữu của nó, nhàm chán sự tiện nghi ấy, nhìn thấy những nhà khác khang trang hơn, ta lại thầm muốn có một ngôi nhà mới khá hơn.
Những ý tưởng nhị nguyên như vậy sẽ tràn ngập trong tâm trí khi chúng ta bất mãn với cái mình đã có, và muốn tìm đối tượng khác có thể đem đến sự thoả mãn mà mình đang mong ước. Rồi sau đó trạng thái tâm lý cũ được tái diễn cho đến khi sức cùng lực kiệt mà ước muốn vẫn cịn hừng hực…Không ngẫu nhiên mà thành tựu giả Thogme Zangpo khuyến cáo: “Dục lạc cũng như nước muối, càng uống càng thêm khác. Hãy buông bỏ những gì gây ra tham ái. Đó là pháp hành Bồ tát đạo”( trích“Ba mươi bảy pháp hành Bồ tát đạo).
Song, cần nên hiểu, “buông bỏ” là buông bỏ những gì gây ra trạng thái tham ái cho tâm ta, chứ không phải cái gì cũng buông bỏ, tựa như học thuyết Mác Lê có viết về phủ định: Phủđịnh có chọn lọc chứ không phủ định sạch trơn. Đó là xả ly đúng nghĩa của đạo Phật. Về quan điểm này trong một lần khai thị đồ chúng Phật tử, Yeshe Rinpoche dạy : “Khi kinh nghiệm một điều thú vị nào đó, chúng ta chấp nhận nó một cách dễ chịu, hưởng niềm vui mà nó dành cho mình, không đòi hỏi nó điều gì hơn. Chúng ta có thể có thái độ thoải mái như vậy vì hiểu rằng những lạc thú đó là vô thường, và hơn nữa, vì chúng ta nhắm đến một hình thức hạnh phúc cao hơn, đó là sự tiếp cận chân tính. Với mục tiêu cao cả này, chúng ta không bị những dục lạc mà mình thọ hưởng lôi cuốn, mà cũng không buồn khi sự việc không tốt đối với mình. Nói cách khác, thay vì nương tựa vào các đối tượng của các giác quan như giải pháp để đạt thoả mãn, chúng ta đặt niềm tin vào tiềm năng nội tại của mình…” ( trích “Mật giáo nhập môn – quan kiến về Tánh Không” trang 59).
Lama Thubten Yeshe (1935-1984) – người sáng lập quỹ bảo tồn truyền thống Đại thừa (FPMT).
Tuy nhiên, trên phương diện ứng dụng giáo pháp, để thực hiện xả ly cần phải có một cơ chế vận hành trong quỹ đạo chánh pháp. Điểm quan yếu ở đây, như đã nói trên, gói gọn trong 2 từ “CHUYỂN HÓA”. Khi đã quán triệt quan điểm chuyển hoá, chúng ta có thể đối mặt với dục lạc, sử dụng năng lực của chúng biến thành năng lực của an lạc. Do đó, đối với dục lạc, tức là ngũ dục (sắc thanh hương vị xúc), thay vì xả ly như những truyền thống ngoại đạo, thì các tông phái Phật giáo Đại thừa, nhất là Mật tông, vẫn an nhiên thọ lạc như bao nhiêu người khác. Điều này có nghĩa là chúng ta không ngại đối đầu với dục lạc mà nhìn thẳng vào bản chất của dục lạc để tỉnh giác, và áp dụng trong đời sống tâm linh. Về quan kiến này Pháp vương Gyalwang Drukpa XII huấn thị: “Cuộc sống phải được hiểu là Pháp và PHáp phải được hiểu là Cuộc sống”. Đây là trường hợp của những cư sĩ tại gia trên đạo trình tiến tu giải thoát.
Song, điều kỳ diệu ở đây là hành giả vẫn chuyển năng lực hưởng thụ của mình thành pháp tu tập nhanh và mạnh để đạt giác ngộ. Chuyện kể rằng có một vị vua thỉnh cầu Đức Phật dạy cách phát triển tâm linh thích hợp với người giữ nhiệm vụ xã hội quan trọng. Vị vua nói: “Tôi có bổn phận lãnh đạo thần dân của mình, không thể bỏ bê họ được. Tôi không thể làm như ngài là buông bỏ tất cả, đi vào rừng núi sống cuộc đời của một tu sĩ. Tôi muốn biết cách nào tu tập trong đời sống vương giả, xin ngài chỉ giáo”. Đức Phật trả lời rằng ngài có một phương pháp như vậy, đó là pháp tu Mật giáo. Ngài nói: “Với phương pháp này, một vị vua có thể song hành đời đạo, nghĩa là không cần phải bỏ một lạc thú vương giả nào”. Ngài bảo nhà vua rằng ông ta có thể tận hưởng mọi thú vui mà vẫn tiến tu giải thoát. Giáo lý mà đức Phật chỉ dạy nhà vua là Đạo pháp Kalachakra, hay Vòng Thời Gian, dòng truyền thừa giáo lý này cũng như những giáo lý Mật giáo khác, đã được duy trì không gián đoạn cho đến ngày nay. Yeshe Rinpoche khẳng định “Đã có vô số người Ấn Độ và Tây Tạng đạt giác ngộ tối thượng bằng những pháp tu tập này, tuyệt đối không không có lý do gì để chúng ta không thể hưởng lợi ích như họ”.
Kỳ 3 - Chánh tư duy về Thọ Lạc
Một vị vua trách nhiệm nặng nề mà cũng tu tập được giải thoát thì chúng ta là những người dân bình thường lẽ nào không được? Vấn đề còn lại là phương pháp mà thôi! Viết đến đây tôi liền nhớ danh ngôn của nhà toán học Decars người Pháp : “Không có phương pháp, thiên tài cũng mắc phải lỗi lầm. Có phương pháp, người thường cũng trở thành bậc phi thường”. Trên bình diện tâm linh, phương pháp ấy chính là tri kiến Phật mà vì đó mà Đức Phật thị hiện ở cõi Ta bà, chỉ cho chúng ta nhiều cách tiếp cận giác ngộ khác nhau, nhưng cũng cùng đạt được một mục đích là giải thoát!
Chuyện kể rằng vào thời Đức Phật tại thế, có vị vua tên là Ba Tư Nặc, nhân một hôm đi săn về, liền quan giám trù (chuyên lo phục vụ ẩm thực cho nhà vua) nhưng không tìm thấy món ăn khoái khẩu của mình. Nhà vua tức giận liền hạ lệnh xử trảm vị đầu bếp. Người này luôn miệng kêu oan vì nhà vua không báo trước để chuẩn bị như mọi khi. Vương phi Mạt Lợi hay được liền yêu cầu trảm quan tạm dừng hành quyết, đợi ngày mai sẽ không muộn (Mạt Lợi là Phật tử thuần thành, chuyên giữ giới Bát quan trai). Liền sau đó, vương phi vào hậu cung trang điểm thật đẹp, cùng với nhiều thể nữ giai nhân dọn tiệc, ca xướng, múa hát. Sau đó, vương phi mời nhà vua đến thưởng thức. Vua đẹp lòng, cùng với vương phi đối ẩm, hoan lạc đến tận khuya. Nhà vua say rượu ngủ vùi cho đến gần trưa mới dậy. Nghĩ đến bửa trưa sắp tới, nhà vua than vãn trong sự hối tiếc vô cùng vì đã lỡ giết người đầu bếp giỏi. Mạt Lợi vương phi nhân đó liền quỳ tâu: “Giả sử như tên đầu bếp còn sống, đại vương có tha tội chết không?”. Nhà vua liền gật đầu: “Đương nhiên rồi! Ta vì tức giận nhất thời mà hại một mạng người, đó là lỗi của ta không báo trước thực đơn khi đi săn”. Mạt Lợi vương phi liền gọi người đầu bếp ra lạy tạ. Nhà vua mừng rỡ, chẳng những tha tội mà còn tặng thưởng trọng hậu. Việc đã xong, bấy giờ Mạt Lợi vương phi mới quỳ xuống trình bạch: “Đó là lý do vì sao thần thiếp cùng thể nữ dọn tiệc, ca múa, đối ẩm, hoan lạc vào ngày rằm hôm qua!”. Nhà vua nghe xong ngạc nhiên: “Nàng đã trang điểm, uống rượu, ca vũ, dục lạc vào ngày đó, chẳng lẽ không sợ phạm giới sao? Mạt Lợi mĩm cười, khuyên nhà vua cùng với mình đến thỉnh an Đức Phật rồi thỉnh vấn luôn một thể. Đức Phật nghe xong liền dạy: “Phạm giới như thế được nhiều công đức, không có tội vậy. Vì cớ sao? Vì có sự lợi ích như ta trước đã nói. Một là hữu lậu thiện, hai là vô lậu thiện. Mạt Lợi vương phi nhân chỗ phạm giới đó là hữu lậu thiện. Những người y ngữ bất y nghĩa đó là chỗ phá giới tu thiện là hữu lậu thiện; những người y nghĩa bất y ngữ mà tâm tu thiện gọi là vô lậu thiện”.
Do sự kiện kỳ đặc này Phật khai thị cho vua Ba Tư Nặc và nhiều hàng trưởng giả, cư sĩ. Phật gọi đây là “Vị tằng hữu thuyết nhân duyên” (nhân duyên được Phật giáo hoá thật chưa từng có trước đây). Có thể nói rằng thời bấy giờ sự kiện “phạm giới” của vương phi Mạt Lợi là “chưa từng có”, nhưng đến thời kỳ Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là Phật giáo Mật tông, phương tiện này được áp dụng triệt để trên nền tảng Bồ đề tâm. Phật gọi đó là “trí huệ phương tiện”. Trong kinh điển Đại thừa Phật dạy rằng tất cả những thiện hạnh nào không phát xuất từ Bồ đề tâm đều là bất thiện hạnh vậy! (Kinh Hoa Nghiêm). Điều quan yếu này đã được chỉ ra trong kinh “Bát đại nhân giác”: “Luôn ghi nhớ biết đủ. Sống nghèo gìn giữ đạo. Dùng trí tuệ làm nghiệp”. Đến thời kỳ Phật giáo Phát triển, trí huệ phương tiện ấy được Đạo sư người Ấn Độ là Tilopa diễn giải trên nền tảng Mật thừa là: “Ngũ dục tự chúng không gây ra tai hại, lỗi lầm là ở chổ thái độ của người thọ lạc đối với chúng!”.
Trong tác phẩm “Quán Thế Âm Bồ tát tín luận” Hải Tín Cư sĩ khẳng định : “ Có tiền là có quyền hưởng sự sung sướng của vật chất. Có danh phận là có quyền hưởng sự kính trọng của người đời. Pháp Quán Thế Âm Bồ tát (tức là niệm tôn hiệu, trì niệm thần chú của Ngài) không phải tạo ra một tinh thần bi quan hay lạc quan. Người tu biết rõ vị trí của mình ở trong đời, nên sống với những gì mà mình có được và hưởng những gì mà mình có quyền hưởng.
Nằm trên một tấm nệm êm, người tu cũng được hạnh phúc của cảm giác êm ái. Dùng một món ăn, người tu cũng được hạnh phúc của cái vị ngon.
Đạo lực của mình chỉ được đem ra dùng là khi nào mất tấm đệm và không có món ăn ngon.
Người tu cũng có vợ chồng, nhưng không vì sự dục lạc của dâm mà phạm điều ác.
Người tu cũng có gia đình, nhưng không vì gia đình mà mất cái điều thiện của mình.
Người tu cũng có nghề nghiệp, nhưng không vì nghề nghiệp của mình mà làm hại kẻ khác.
Tu là chánh đạo các nghịch tưởng nơi tâm mình (ý là hướng những niệm tưởng của mình theo quỹ đạo chánh pháp). Vì sao? Có nghịch tưởng là tâm không được an ổn. Tạo nghịch tưởng là mình hưởng những gì không thuộc quyền sở hữu chân chánh của mình.
Còn ở trong thuận cảnh, là mình tự do tha hồ mà hưởng. Thuận cảnh là gì? Thuận cảnh là cảnh mà ở trong đó mình hưởng những gì mà mình có quyền hưởng. Có quyền hưởng nghĩa là hưởng với một tinh thần tự tại và thư thái.
Vì nghĩa tu như thế nên người hành đạo hằng vui chớ không có buồn, hằng an lạc chớ không có khổ. Bởi cớ sao? Pháp tu không ngăn cản người hưởng những dục lạc của đời đem đến, mà chỉ giải thoát cho người những gì gọi là khổ mà thôi:…
Từ đó suy ra, để thành tựu công cuộc chuyển hoá tâm từ dục lạc thành an lạc, chúng ta không phải rời xa dục lạc mà phải thay đổi thái độ đối với chúng. Thông thường, khi thực hành pháp trong không gian linh thánh (chùa, tự viện, tịnh xá, thiền đường, niệm Phật đường, thiền phòng, bàn thờ Phật…) ai cũng đầy đủ chú tâm và chánh niệm. Song, thời gian chính khoá công phu như vậy, nhiều lắm cũng chỉ 3 thời trong ngày, mỗi thời nhiều lắm cũng chỉ 1-1.30 giờ. Thời gian còn lại trong sinh hoạt thường nhật làm gì? Trong chùa còn có thể nhiều việc pháp sự để làm, nhưng với đời sống cư sĩ tại gia, nhất là những người lao công, nhân viên văn phòng, quản lý công ty, điều hành công sở, làm sao để thực hành pháp trong điều kiện đó? Vì vậy cho nên đời sống cư sĩ tại gia dễ bị thất niệm, là nguyên nhân cho tam độc (tham sân si) phát khởi.
Để đối trị lại những chướng ngại đó, phương pháp tiếp cận dục lạc như nêu trên là một cách đối trị. Và phương tiện sử dụng là luôn tăng cường chánh niệm, tỉnh thức và chú tâm nhằm mục đích vì lợi lạc cho chúng sanh. Chúng ta cũng nên hiểu rằng những động lực trong đời sống và động lực của từng hành động mới là những nguyên nhân thúc đây, hành động tự nó không là gì cả. Hành động chỉ là những gì chúng ta đang làm ở bên ngoài, cái gì ẩn sâu ở bên trong mới thực sự là nguyên nhân chuyển động, cái đó làm cho hành động trở thành tốt hay xấu (trích tác phẩm “Ánh sánh đạo pháp” của lama Yeshe).
Do vậy, điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là sử dụng mà không nên lạm dụng.Lạm dụng tức là bám chấp. Tất cả những bám chấp đều gây ra hậu quả, kể cả bám chấp vào giáo điển của Phật môn. Để tránh rơi vào trường hợp lạm dụng cần phải có vũ khí chánh niệm, tỉnh thức và chú tâm mà Đức Phật xưa kia gọi là “trí huệ phương tiện”.
THAY LỜI KẾT
Chúng sanh thời nay tập khí ương ngạnh, niệm tưởng bất chánh (lời của Quán Am Bồ tát trong “Đại nguyện” của Ngài”), điều mà trước kia Phật đã từng khuyến cáo trong kinh “Tứ thập nhị chương” là : “tin vào Phật pháp là khó, thực hành chánh pháp lại càng khó hơn”. Nói đến những điều cơ bản của Quy y mà họ đã khó lọt tai rồi, huống gì là “Tứ diệu đế”, đề cập đến chấp ngã, hướng đến vô ngã. Chỉ cần họ sử dụng mà không lạm dụng là tốt rồi, đừng nói đến xả ly, cái khổ, cái chết dù sau đó đưa ra phương pháp diệt khổ. Đây là vấn đề tâm lý đối tượng mà đa phần nhiều chư tăng ni vì quá nhiệt tâm đạo pháp, tưởng ai cũng như mình, không quán xét trình độ tâm linh của cư sĩ, liền cho áp dụng mọi người cùng một mô thức tu Phật.
Thực trạng theo Phật hiện nay có thể nói là đa phần là Phật tử truyền thống. Họ chưa biết gì nhiều về Phật pháp, họ vô tình vào chùa được nghe về đạo Phật, nếu nói họ về “Tứ diệu đế”, thì e rằng khó đạt hiệu quả giáo hoá. Trên thực tế người hiểu đạo Phật thì quá ít so với người chẳng hiểu gì, liệu chừng lúc đó chẳng khác chi “lấy vàng ném chuột”. Cho nên cần phải từng bước giảng giải từ đơn giản đến vi tế, nhưng không cần chỉ ra ngay đời là khổ đau để diệt trừ khổ đau, mà cần cho họ hiểu dục lạc không xấu, chỉ tai hại là thái độ bám chấp mà thôi! Luận đề sau đương nhiên dễ chịu hơn, và họ sẽ đến lại để mà nghe.
Không chối bỏ dục lạc mà chỉ cần chuyển hoá đúng quỹ đạo chánh pháp là được an lạc, từ an lạc đời này, chúng ta sẽ vãng sanh Tây phương Cực lạc đời sau. Có như vậy người cư sĩ mới tu tập hoan hỷ, tu tập tự giác trong đạo trình giải thoát.
Có lẽ những đối tượng thính pháp vào thời Đức Phật giáo hoá là thời kỳ “thiền định kiên cố”, còn thời mạt pháp này khi mà thời kỳ “đấu tranh kiên cố”, chúng ta nên “chọn một niềm vui” dễ tiếp cận hơn. Là cư sỹ, tuy không phải là đối thể trung tâm của sự hoằng hoá, nhưng Đức Phật từ bi vô hạn đã ban nhiều pháp thoại cho họ qua những pháp hội khác nhau. Vấn đề ở chỗ là chúng ta cần tìm ra “Giáo lý Đức Phật dành cho cư sĩ- kho báu ẩn tàng”.
NGUYÊN THÀNH