cái ý kiến cứ khư khư chấp nệ Giới cấm thì được coi là giới cấm thủ kiến. Ấy là một ý kiến, một sở kiến sai trong Ngũ kiến: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Giới cấm thủ kiến, kiến thủ kiến. Giới cấm thủ kiến cũng được viết là Giới thủ kiến. Ấy là ý kiến của hạng tu Tiểu Thừa, khư khư chấp lấy giới, tự trói buộc mình trong những sự cấm chế, mà chẳng biết phương tiện độ chúng sanh.
Một người không còn giới cấm thủ là một người lúc nào cũng có giới đức trong sạch, nhưng sống thảnh thơi trong giới luật đạo hạnh, không còn coi đó là một gánh nặng trên con đường hành trì của mình.
Giới cấm thủ có nghĩa là bất cứ pháp môn hành trì nào không hướng đến Diệt Đế và không đúng với tinh thần Đạo Đế thì gọi là giới cấm thủ.
Có nhiều người dính mà không biết. Thí dụ như cũng ăn một bữa mà ăn ngọ, ăn theo lời Phật để tu Tứ Niệm Xứ thì đó được gọi là đầu đà, là giới hạnh. Nhưng đằng này người này ăn ngày một bữa mà cầu quả nhân thiên, rồi còn chế ra mỗi lần ăn cái tay phải nâng cái chén lên bắt ấn lim dim, rồi trì Chú thì đó là giới cấm thủ. Bởi vì những cái đó đi ngược lại tinh thần Bát Chánh Đạo.
Đó là tôi chưa nói đến những pháp tu kỳ quái. Bình thường thí dụ như mình thích ăn chay, ăn chay vì nhiều lý do: ăn chay nếu ở trên núi mình tự trồng trọt ăn được không cần phải đi chợ, ăn chay biết cách ăn cũng hỗ trợ cho sức khỏe của mình tốt, ăn chay vì lòng từ bi, mình không nhẫn tâm mỗi lần gấp miếng thịt miếng cá mình nghĩ đến quyến thuộc nhiều đời lòng không yên. Ăn chay như vậy thì tốt. Còn nếu cho rằng pháp môn này là cao siêu ..v..v, người nào không ăn được là tu không được, ăn như thế này thì mới là thượng căn thượng phẩm, thượng nhân, thượng trí ..v..v, cái đó là lọt qua giới cấm thủ rồi.
Người nào mà từ cách ăn, mặc, ở, sinh hoạt lúc nào cũng phải thuận ứng dựa trên tinh thần của Bát Chánh Đạo và hướng đến cứu cánh Niết-bàn là chấm dứt phiền não sanh tử thì đó là chánh đạo, còn ngoài ra là tà đạo. Bất cứ pháp môn nào mà thuận với Đạo Đế hướng đến Diệt Đế thì gọi là chánh đạo, còn ngoài ra là tà đạo, mà đi theo tà đạo thì cũng chính là giới cấm thủ.
Tỷ như có một ông sư, thấy một người đờn bà đương lâm nạn lửa hoặc nạn nước, tự mình cứu được, mà cứ câu nệ mình là đàn ông còn người ta là đàn bà, cho nên chẳng lại gần mà cứu vớt. Đó là Giới cấm thủ kiến.
- Biên kiến là cái thấy, cái chấp nghiêng về một bên. Thí dụ chấp thế gian này là thường hằng hay vô thường đều là biên kiến.
- Thân kiến là cái thấy, chấp rằng thân này có thật, ta là có thật. Nó là khởi đầu của chấp ngã.
- Kiến thủ là cho rằng ý kiến của mình, cái thấy của mình là đúng, của người khác là sai.
- Giới cấm thủ là chấp giữ vào giới, không thể buông bỏ. Trong đạo Phật, giới là rất quan trọng trong việc tu hành, nhưng vào giai đoạn chót, muốn được giải thoát thì tâm không thể bị vướng mắc vào bất cứ thứ gì, kể cả giới. Ai chưa xả bỏ được thì chưa thể giải thoát.
- Tà kiến là tin vào những hệ thống tư tưởng sai lầm.
...sưu tầm...