Sự thiện Tâm ảnh hưởng tốt tới Thân: cơ thể con người
Con người hiện sống ở trên đời. ai cũng được cấu thành bởi cơ thể vật lý gọi là Thân và năng lượng tinh thần gọi là Tâm. Nói theo triết học cổ phương Đông hay theo các Đạo giáo như Đạo Phật thì con người gồm hai phần Thể xác và linh hồn. Thể xác tức cơ thể vật lý gọi là Thân có hình hài cụ thể mắt thấy tay sờ thì ai cũng biết, nhưng Linh hồn hay tinh thần gọi là Tâm thì chẳng có hình tướng, chẳng có máy móc khoa học nào cảm nhận cân đong đo đếm được nên không ai hiểu cái Tâm con người là gì! Tâm có phải là vật chất hay không? Đây là câu hỏi khó, có lẽ phải đợi đến thế kỷ sau nền khoa học thế giới mới có thể có “cơ sở khoa học” để trả lời. Bằng chứng là hiện các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã bỏ ra hàng chục tỷ đôla chế tạo máy gia tốc khổng lồ để thực nghiệm chứng minh có “hạt của chúa”, (hạt mang khối lượng là thành phần cấu thành vật chất có thể cân đong đo đếm được), đến nay vẫn chưa có kết quả. Chưa có “cơ sở khoa học” để khoa học chứng minh Tâm, tức linh hồn hay Tinh thần con người là một dạng nămg lượng siêu tinh tế tồn tại trong thế giới tự nhiên không có nghĩa là Tâm, tinh thần con người không phải là không có. Thực tế là thước đo, nền tảng tạo nên “cơ sở khoa học”, tại sao một số nhà ngoại cảm có thể trông thấy “linh hồn”, gọi cho có tính khoa học là trường “năng lượng sinh học”? Phủ định trên thực tế sự trông thấy “linh hồn” hay “trường năng lượng sinh học” này của các nhà ngoại cảm là việc làm duy ý chí, không khoa học. Nếu là nhà khoa học thật sự, chân chính thì nên tiếp cận và giải thích sự “trông thấy” của các nhà ngoại cảm theo cách khoa học hơn. Chẳng hạn như có thể giải thích trong bộ não của các nhà “ngoại cảm” có thể ngẫu nhiên đã liên kết được các tế bào nơ-ron thần kinh có chức năng giải mã đọc được các thông tin có tần số sóng khác với tần số sóng ánh sáng thông thường mà bộ não của người bình thường chỉ giải mã được tần số sóng ánh sáng thông thường thông qua giác quan thị lực của cơ thể là mắt. Qua đó, chúng ta thấy rằng bộ não con người là một “bộ máy vi tính” cực kỳ tinh vi mà tạo hoá đã ban tặng. Chẳng thế mà Đức Phật đã nói: ai cũng là Phật, ai cũng có thể trông thấy Tam đại thiên thế giới trong vũ trụ nếu biết tu tâm tích đức khai thác tiềm năng đang sẵn có trong con người…Điều này phù hợp với sự nghiên cứu phát hiện của khoa học hiện đại về bộ não con người gồm khoảng 100 tỷ tế bào nơ-ron thần kinh nhưng trung bình con người mới chỉ sử dụng được chưa đến 1% trong tổng số đó. Cách khai thác tiềm năng to lớn trong bộ não con người thế nào để nâng hiệu suất sử dụng được nhiều tế bào nơ-ron thần kinh hơn mức 1% trong bộ não con người? Đó là việc rất phức tạp, nhưng có một điểm chung khái quát theo các Đạo tôn giáo và các nhà hiền triết đã có công đức lớn lao giúp ích cho đời là cần thiết phải tu dưỡng cái Tâm - Tinh thần con người theo hướng thiện. Biện pháp đơn giản dễ thực hành nhất hiện nay theo tinh thần khoa học là luyện tập Tâm năng dưỡng sinh viết tắt là TNDS-PHSK. Để có niềm tin bước vào luyện tập TNDPHSK có hiệu quả, chúng ta phải có nhận thức đúng đắn, khoa học những vấn đề sau:
1, Ảnh hưởng của Tâm đối với Thân-cơ thể con người.
Trong bài phát biểu của bà Phạm Thị Mai Cương Giám đốc Trung tâm TNDS, có nói: “Ở nước ta từ thế kỷ thứ 18, Hải Thượng Lãn Ông đã xây dựng phép dưỡng sinh có nội dung phong phú và các yêu cầu về nếp sống vệ sinh văn hoá lành mạnh, trong đó yếu tố nuôi dưỡng tinh thần và thể xác là hàng đầu. Hải Thượng Lãn Ông xác định: Tinh thần và thể chất được luôn luôn tráng kiện, thì sẽ tận hưởng tuổi thọ ngoài 100 tuổi. Hải Thượng Lãn Ông đặt vấn đề nuôi dưỡng tinh thần là hàng đầu trong việc giữ gìn sức khoẻ”. Tại cuốn băng ghi hình bài giảng về tác dụng của các cửa hút ( y học cổ truyền gọi là Huyệt đạo, Phật học gọi là Luân xa) trong cơ thể con người đối với người thiện Tâm khác với người ác Tâm của ông Nguyễn Văn Chiều, cố Giám đốc Trung tâm TNDS trong lớp tập huấn TNDS ở tỉnh Bắc Ninh năm 2000, ông Chiều cũng có nói nếu con người biết cách dưỡng sinh tốt thì tuổi thọ sẽ trung bình là 150 tuổi. Tại sao sự hoạt động và tác dụng của các cửa hút ở người thiện Tâm khác với ở người ác Tâm? Tại sao đối với người thiện tâm thì các của hút mở dễ dàng để thu được năng lượng vào cơ thể làm cho cơ thể mau chóng cân bằng năng lượng, phục hồi sức khoẻ nhanh. Còn đối với người ác Tâm các cửa hút thường bị co lại, không mở hoặc mở hẹp nên khó thu được năng lượng để cân bằng nên cơ thể phục hồi sức khoẻ chậm?
Từ trước nền khoa học kỹ thuật thế giới chưa phát triển, chưa có nguyên cớ để dẫn chứng, so sánh minh họa nên khó có thể giải thích để đại chúng mọi người tin hiểu. Đã không tin hiểu thì sẽ trở thành trò “nhảm nhí”, “mê tín dị đoan”, giống như câu chuyện nếu ở đầu thế kỷ 20, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, chưa phát minh ra điện thoại di động, máy vi tính internet, ai đó có trí thông minh vượt trội tiên đoán rằng vào đầu thế kỷ 21, con người có thể nói chuyện trực tiếp được với nhau, thậm trí nhìn thấy hình ảnh của nhau dù ở cách xa hàng vạn km, ví dụ như một người đang ở Việt Nam và một người đang ở Hoa kỳ cách nhau nửa vòng trái đất. Tất nhiên xã hội con người thời đó sẽ không ai tin và sẽ “khẳng định như đinh đóng cột” rằng đấy là chuyện “nhảm nhí”, không có “cơ sở khoa học”, chuyện đó là “hoang tưởng” và chỉ có “thần thánh” mới có thể thông tin liên lạc được với nhau như vậy! Hiện nay thì chuyện đó không phải là “hoang tưởng”, “nhảm nhí” không có “cơ sở khoa học” nữa và ai cũng có thể trở thành “thần thánh” thông tin liên lạc được với nhau dù ở cách xa nhau hàng vạn km nếu biết sử dụng điện thoại di động Iphône, Ipad hoặc máy tính internet. Viết đến đây lại nhớ đến lời của Đức Phật đại ý là: Phúc cho ai không thấy mà tin. Cũng vì sự phát triển của khoa học, nhất là hệ thống máy tính điện tử, hôm nay chúng ta mới có thể hiểu và lý giải được sự thiện Tâm ảnh hưởng rất lớn đối với sức khoẻ của Thân, thể xác con người.
Nói đến hệ thống máy vi tính điện tử, chúng ta phải hiểu một quy tắc rất giản đơn là các mạch vi tính liên kết với các linh kiện tế bào điện tử phải thật thông thoáng để các tín hiệu thông tin được truyền tốt. Nếu các vi mạch không thông thoáng thì máy sẽ dễ bị chập, chương trình file nọ nhảy sang chương trình file kia. Máy vi tính chạy liên tục nhiều các vi mạch bị nóng các tín hiệu thông tin sẽ bị nhiễu, nóng quá mức sẽ thành chập mạch hỏng máy. Bộ não trong cơ thể con người cũng vậy, giống như một bộ máy vi tính rất tinh vi, nó điều khiển toàn bộ sự hoạt động của cơ thể, thân xác con người thông qua hệ thống thần kinh và hệ thống máu huyết nối kết từ tim dẫn truyền tới khắp các bộ phận tế bào. Nếu con người có sự liên tục suy nghĩ nhiều quá sẽ làm cho não bộ bị “nóng” lên sinh ra rối trí, “chập mạch” dẫn đến có thể là tê cứng chân tay hoặc không làm chủ được hành vi của mình. Không phải vô cớ mà trong dân gian có câu ám chỉ sự sân hận thái quá sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ: “giận đến bầm gan, tím ruột…”. Những gười có kinh nghiệm sống đều nhận thấy sự giận dữ chỉ ý thức trong não làm việc căng thẳng sẽ ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh dẫn truyền tới nội tạng: gan ruột. Do vậy cần phải biết cách tu dưỡng làm sao cho tinh thần lúc nào cũng thanh thản để trong “đầu”, các vi mạch trong não bộ được thông thoáng, không bị “chập mạch” ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Trong cơ thể, thân xác con người, hai hệ thống máu huyết và thần kinh (y học cổ truyền gọi là hệ thống Kinh Lạc) liên quan hỗ trợ nhau chặt chẽ. Hệ thống này bị trục trặc sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống kia. Xem mạch đập của tim sẽ thấy ngay điều đó, ví dụ người có tâm trạng hồi hộp, lo lắng thì ngay tại thời điểm đó nhịp tim sẽ đập nhanh, mạnh. Tâm trạng hồi hộp lo lắng là do hệ thần kinh trung ương tại não bộ hoạt động mạnh, gây ra sóng não lớn làm tiêu hao năng lượng nhiều. Để kịp thời cân bằng lại năng lượng đã tiêu hao ở não bộ tất nhiên tim phải đập nhanh, nhiều để bơm máu cung cấp ô xy cho não. Đây cũng là nguyên nhân của những trường hợp có người nhận được tin buồn hay vui đột ngột quá không giữ được sự bình tĩnh của Tâm trí làm cho sóng não tăng quá mạnh khiến cho nhịp tim bơm máu theo các thành mạch lên não không kịp hoặc quá mức gây ra sự choáng, ngất hoặc đột quỵ.
Để ý tới quy luật sống của con người, chúng ta dễ dàng phát hiện ra 2 quy luật cần thiết liên quan tới sức khoẻ, từ đó vận dụng để tìm ra phương pháp dưỡng sinh bộ máy cơ thể được tốt. Đó là quy luật thức - ngủ và quy luật thiện tâm - ác tâm. Quy luật thức - ngủ, phản ánh trong một ngày đêm cơ thể con người cần trải qua 2 trạng thái, thức để hoạt động kiếm sống tạo ra máu huyết để nuôi dưỡng thể xác, và ngủ để cho cái Tâm, tinh thần được an lạc, tĩnh dưỡng. Cũng chính là để não bộ, “bộ máy vi tính” điều khiển thể xác được thông thoáng, mát mẻ, sóng não thấp nhất, bộ máy não không bận vào việc nào khác chỉ để bộ phận lập trình tự điều chỉnh cân bằng năng lượng của toàn bộ cơ thể hoạt động. Thực tế đã chứng minh để có sức khoẻ tốt con người phải tuân theo quy luật này. Ai bị mắc bệnh mất ngủ thì hệ thần kinh sẽ bị suy nhược, bộ phận lập trình tự điều chỉnh cơ thể trong não bộ không hoạt động nên năng lượng không được cân bằng khiến cho người thấy toàn thân rất mệt mỏi, mất sức không lao động được. Những người bị bệnh, đau ốm nặng thì hay ngủ li bì hoặc hôn mê bất tỉnh, lý giải cho việc tinh thần phải được tĩnh lặng, bộ não phải được nghỉ ngơi, tức phải ngủ cho sóng não nhẹ ở mức tối thiểu để bộ phận tự điều chỉnh cơ thể hoạt động bảo tồn sự sống.
Quy luật thiên Tâm và ác Tâm ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Trước hết chúng ta phải hiểu người thiện Tâm là người có trạng thái tinh thần thanh thản, vô tư, lạc quan, yêu đời, không hoặc rất ít có tính cách ganh đua thiệt hơn với người khác và có tình thương yêu đối với đồng loại. Nói theo Phật học thì ít có lòng ham muốn Tham, Sân, Si, hỷ, Ố, Ái… Ngược lại, những người ác Tâm là những người trong tư duy luôn có sự suy nghĩ làm sao đấu tranh cho bản thân mình được nhiều lợi lộc. Nói cách khác là còn mắc nhiều tư tưởng liên quan tới Tham, Sân, Si, Hỷ, Ố, Ái ... khiến cho trong đầu óc không lúc nào được nghỉ ngơi, thanh thản. Quy luật thiên Tâm – ác Tâm phản ánh người thiện Tâm, sóng não không mạnh do ít luồng ý nghĩ trong đầu, nên não bộ được thông thoáng có thời gian, có chỗ để bộ phận tự điều chỉnh cơ thể hoạt động. Vì vậy bộ phận tự điều chỉnh cơ thể có thể hoạt động được ngay cả khi còn đang thức dù là yếu và ngắt quãng. Các cửa hút phân bố khắp cơ thể của người thiện Tâm mới có điều kiện mở nhiều hơn để thu năng lượng vào cân bằng năng lượng trong cơ thể khiến cho người thiện Tâm có sức khoẻ tốt hơn, ít bị ốm đau bệnh tật hơn. Với người ác Tâm, vì trong đầu luôn luôn có các luồng suy nghĩ, hết việc này lại đến việc khác, nên Tâm trí lúc nào cũng hoạt động làm cho sóng não mạnh. Sóng não mạnh, tức não bộ không thông thoáng và luôn luôn bận rộn, không có thời gian để có chỗ cho bộ phận tự động điều chỉnh cơ thể hoạt động được khi đang thức. Nên các cửa hút bị bó lại không mở ra để thu năng lượng dẫn đến thân thể người ác Tâm hay mệt mỏi và dễ bị ốm đau bệnh tật hơn. Thực tế cũng đã chỉ ra nhiều người mắc bệnh đau dạ dày, loét hành tá tràng có nguyên nhân từ hệ thần kinh do luôn phải suy nghĩ căng thẳng. Như vậy người thiện Tâm khác với người ác Tâm ở chỗ hệ thống tự động điều chỉnh cơ thể của người thiện Tâm hoạt động nhiều hơn, tốt hơn nên sức khoẻ sẽ tốt hơn, ít bị nhiễm bệnh hơn.
Tóm lại giữa tâm hồn và thể xác có sự liên quan mật thiết với nhau, người có tâm hồn trong sáng, thảnh thơi, hướng thiện, bộ phận tự động điều chỉnh cơ thể có thời gian hoạt động nhiều và tốt hơn. Các cửa hút (luân xa) vẫn thu được năng lượng để cân bằng khi còn đang thức làm cho thân thể họ được khoẻ mạnh, ít bị nhiễm bệnh. Người có tâm hồn u tối, buồn bã và luôn luôn phải tư duy suy nghĩ ganh đua với đời khiến cho não bộ bận rộn với các luồng ý nghĩ đó nên bộ phận chỉ huy hệ thống tự động điều chỉnh cơ thể trên não bộ phải dừng hoạt động, do vậy các cửa hút bị bó lại không thực hiện được chức năng thu và cân bằng năng lượng khi đang thức. Minh chứng cho việc này, chúng ta thấy: khi con người có chuyện buồn phải suy nghĩ nhiều thì hay mệt mỏi toàn thân, hay chán ăn, hoặc ăn cũng thấy không ngon miệng, Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến rất dễ bị nhiễm bệnh trong nội tạng. Chẳng thế mà các nhà hiền triết cổ xưa như Đức Phật đều khuyên con người, trực tiếp là các phật tử, người theo đạo muốn sống tốt phải luôn vui vẻ, hướng thiện, đừng Tham, Sân, Si… đừng làm điều ác để tránh gây nghiệp xấu, gieo nhân xấu sẽ gặp quả báo xấu. Quả báo xấu nhãn tiền trước mắt đó là sức khoẻ kém trong cái kiếp người hiện tại.
Ngoài ra, sự thiện Tâm còn tránh được ảnh hưởng của môi trường tác động xấu tới Thân, thể xác con người.
2, Ảnh hưởng của môi trường sống đối với sức khoẻ con người.
Môi trường sống có tác động ảnh hưởng tới sức khoẻ con người thế nào? Phải hiểu rõ không gian sống xung quanh chúng ta và không gian trong vũ trụ rất phức tạp. Ngoài các loại vật chất mà chúng ta đo được, cảm nhận được như không khí, trường hấp dẫn của trái đất…trong không gian còn chứa nhiều loại trường năng lượng khác nhau ở cấp siêu vi mô mà hiện tại khoa học thế giới cũng chưa phát hiện được. Cập nhật thông tin khoa học chúng ta thấy có nhiều loại trường vật chất siêu hình khoa học gần đây mới phát hiện ra, ví dụ như vật chất tối, năng lượng tối đang chứa đầy trong vũ trụ, nhưng tính chất của nó là gì thì vẫn chưa biết và vẫn còn đang nghiên cứu, tìm hiểu.
Để có niềm tin rằng không gian có chứa rất nhiều trường năng lượng ở cấp siêu vi mô mà loài người vẫn chưa biết, chúng ta nên biết không gian trong vũ trụ không phải là khoảng không trống rỗng. Chính ông Einstein, nhà bác học thiên tài của thế kỷ 20 đã chỉ ra điều đó thông qua Thuyết tương đối. Trong Thuyết đối, Einstein đã chứng minh mọi thứ trên đời đều mang tính tương đối, không gian cũng chỉ là tương đối, nó có thể co hay dãn tuỳ theo trường lực hấp dẫn mạnh hay yếu. Nếu không gian là khoảng không trống rỗng chẳng có chứa cái gì thì làm sao lại bị co hay dãn được? Lý luận logic khoa học đó đã chỉ rõ không gian không phải là khoảng không trống rỗng mà thực chất không gian đang chứa các trường năng lượng vô hình vô tướng nào đó mà nền khoa học văn minh của loài người hiện nay chưa xác định được. Để dễ hình dung hơn, chúng ta thấy Trái đất nơi chúng ta đang sống và các hành tinh thuộc hệ mặt trời như sao hoả, sao kim, sao mộc, sao thuỷ…vẫn thường quay quanh mặt trời theo các chu kỳ khác nhau. Chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời là 1 năm tức 365 ngày đêm, còn chu kỳ quay quanh mặt trời của sao kim, sao mộc, sao thuỷ, sao hoả lại khác. Không có chu kỳ của hành tinh nào trong hệ mặt trời quay trùng nhau và tất cả lại tuân theo quy luật tuần hoàn riêng lấy sự quay quanh mặt trời làm chuẩn. Điều đó chỉ ra mỗi một khoảnh khắc trong không gian trên bề mặt trái đất có sự biến thiên thay đổi của trường lực hấp dẫn. Sự biến thiên thay đổi trường lực hấp dẫn này tuy rất nhỏ ở cấp vi mô không ảnh hưởng lớn trực tiếp tới môi trường sống của con người, nhưng với góc độ quan sát tinh tế thì thấy nó có ảnh hưởng gián tiếp tới sự sống. Bởi lẽ giản đơn là trường lực hấp dẫn biến đổi dẫn đến không gian có chứa các trường năng lượng siêu vi mô siêu hình biến đổi. Tại khoảnh khác này, thời gian này trường năng lượng siêu vi mô siêu hình có tác động tốt tới môi trường sống của một nhóm người A và tác động xấu tới môi trường sống của một nhóm người B. Nhưng sang khoảnh khắc khác, thời gian khác trường năng lượng siêu vi mô siêu hình trong không gian lại biến đổi và sự tác động đến môi trường sống đối với nhóm người A hoặc nhóm người B lại khác, không còn như cũ. Có lẽ vì vậy nên không phải ngẫu nhiên các nhà hiền triết cổ xưa ở phương Đông đã làm lịch để chỉ rõ chu kỳ biến đổi của không gian theo thời gian và xác lập lý thuyết âm dương ngũ hành cũng như bản tử vi theo ngày sinh tháng đẻ để tính toán chu kỳ, chiêm nghiệm dự đoán sự thăng trầm cuộc sống của mỗi con người qua sự biến động của không gian và thời gian. Các nhà hiền triết ở phương Tây, cũng đồng quan điểm nên cũng lập lịch và lập môn chiêm tinh học theo địa lý phù hợp với cách của họ.
Dễ hiểu hơn nữa, xét về khoa học vật lý và địa lý hiện đại, sự tích tụ vật chất tạo nên các trường lực hấp dẫn tại các vùng miền núi khác với vùng ven biển hoặc vùng đồng bằng. Vùng đồng bằng có nhiều ao, hồ, sông, suối trường lực hấp dẫn cũng khác với vùng đồng bằng có ít ao, hồ… Trường lực hấp dẫn khác nhau nên không gian có chứa các trường năng lượng vô hình, vô tướng cũng khác nhau. Vì vậy các nhà hiền triết cổ xưa mới phác họa nên bộ môn phong thuỷ, địa lý… mô tả thửa đất này, ngôi nhà này hợp với cơ thể người này hay khắc với cơ thể người kia. Tất nhiên để hiểu tường tận bộ môn này thì chẳng có mấy ai. Có một số người linh cảm được thì sự linh cảm đó lại mờ nhạt chưa đủ khả năng để hệ thống lại làm nền tảng, cơ sở khoa học cho bộ môn Phong thuỷ.
Tổng hợp các vấn đề trên chúng ta hiểu rằng không gian con người đang sống trên bề mặt trái đất có tồn tại ở cấp siêu vi mô những trường năng lượng vô hình, vô tướng. Những trường năng lượng vô hình vô tướng này có tác động đến môi trường sống của con người. Có loại năng lượng tác động tốt với cơ thể người này nhưng lại xấu với cơ thể người kia. Lý giải cho việc trên thực tế, có những ngôi nhà nằm trên vùng địa lý, mắt thường trông vẫn thấy bình thường, có người đêm nằm hay mơ thấy ác mộng, bất an khó ngủ, cảm giác lạnh lẽo như có “ma”, lâu ngày ở trong trạng thái đó sinh ra ốm đau bệnh tật… Nhưng có người hàng đêm cũng nằm tại vị trí ngôi nhà đó mà vẫn ngủ ngon giấc, sức khoẻ vẫn tốt. Tại sao lại như vậy? Điều này liên quan tới sự tích tụ các trường năng lượng siêu vi mô, siêu hình trong không gian của bộ môn địa lý phong thuỷ. Giải thích hiện tượng này phức tạp, nhưng bộ môn TNDS, nghiên cứu về sự thiện Tâm và ác Tâm ảnh hưởng tới cơ thể con người cũng có thể giải thích được:
Khi con người ngủ, hệ thần kinh trung ương não bộ phải tạm dừng mọi ý nghĩ và hoạt động phân tích xử lý các thông tin thu nhận qua các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác… để hệ thần kinh trung ương có chức năng tự điều chỉnh cơ thể hoạt động. Vì hệ thần kinh trung ương có chức năng tự điều chỉnh cơ thể hoạt động nên các cửa hút, (thực chất đó là các đầu mối dây thần kinh nối thông từ vị trí cơ thể tiếp giáp với không gian bên ngoài tới các tế bào cấu thành các bộ phận trong cơ thể và truyền dẫn lên hệ thần kinh trung ương trong não bộ) tự động mở ra thu các năng lượng từ không gian bên ngoài vào cân bằng lại năng lượng tại các tế bào của các bộ phận đã bị tiêu hao biến chất để phục hồi lại sức khoẻ. Theo nguyên lý “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, (lý thuyết triết học cổ Phương Đông gọi là khí, bộ môn TNDS gọi là năng lượng), đối với người ác Tâm, các bộ phận trong cơ thể còn tồn đọng lại năng lượng xấu nhiều hơn tốt nên các cửa hút mở ra thu loại năng lượng xấu tương đồng với nó nhiều hơn. Kết quả sự thu cả các năng lượng xấu, năng lượng không phù hợp vào làm cho các bộ phận trong cơ thể không những không cân bằng được mà lại bị mất cân bằng thêm. Hệ thần kinh tại các bộ phận bị mất cân bằng thêm phải phát tín hiệu lên hệ thần kinh trung ương xử lý các tình huống trên não cấp báo về tình trạng đó. Hệ thần kinh trung ương xử lý các tình huống trên não bộ bị kích thích nhận tín hiệu trong trạng thái đang tạm dừng hoạt động nên đã tạo thành các giấc mơ, ác mộng. Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu vê các giấc mơ và có nhận xét rằng các giấc mơ ác mộng thường phản ánh một bộ phận nào đó trong cơ thể bị trục trặc, tổn thương.
Đối với người thiện Tâm thì trường khí (năng lượng) tại các bộ phận trong cơ thể đã được thanh lọc kể cả khi đang thức, loại năng lượng tốt và phù hợp nhiều hơn loại xấu, biến chất. Do vậy người thiện Tâm khi ngủ, hệ thần kinh tự động điều chỉnh cơ thể hoạt động, các cửa hút tự động mở ra thu năng lượng tốt, phù hợp nhiều hơn và cân bằng lại những nơi mất cân bằng. Hệ thần kinh tại các bộ phận cơ thể đang cân bằng năng lượng đúng quy trình nên không phát tín hiệu cấp báo gì về hệ thần kinh trung ương xử lý các tình huống trên não bộ. Hệ thần kinh xử lý các tình huống trên não bộ đang nghỉ không bị kích thích nhận tín hiệu, do đó không có các giấc ác mộng nào, giấc ngủ của người thiện Tâm vẫn an bình đúng với chức năng phục hồi sức khoẻ.
Ngoài sự ảnh hưởng của môi trường sống có tồn tại những trường năng lượng vô hình, vô tướng ở cấp siêu vi mô nêu trên, môi trường sống hữu hình do quá trình sống chính con người tạo ra cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người. Chỉ ví dụ cụ thể hiện trạng trong xã hội hiện nay, do ham lợi nhuận, muốn bán được nhiều hàng để thu được nhiều tiền, người ta đã “phát minh sáng chế” ra các loại thuốc bảo quản hoa quả, thực phẩm. Một quả táo hay quả cam chín, bình thường chỉ để được vài ngày là bắt đầu bị ủng, thối và không ăn được, nhưng dùng hoá chất gọi là “thuốc” bảo quản thì có thể để vài tháng trông vẫn thấy tươi, ngon. Khi người ăn phải những hoa quả đã dùng “thuốc” bảo quản đó, lượng hoá chất tuy là rất nhỏ nhưng đã thấm vào thành ruột, hệ thống tự động điều chỉnh cơ thể sẽ phản ứng điều tiết những hoạt chất kháng cự lại và đào thải hoá chất lạ đó ra ngoài. Nếu hệ thống tự điều chỉnh cơ thể con người không hoạt động mạnh, không đủ sức đề kháng và đào thải hết hoá chất lạ đó ra ngoài thì rất dễ bị mắc bệnh, nhẹ thì trong ruột hay dạ dày có khối u lành tính, nặng thì khối u ác tính. Như trên đã phân tích, với người ác Tâm thì hệ thống tự động điều chỉnh chỉnh cơ thể của họ hoạt động yếu hơn hệ thống tự động điều chỉnh cơ thể của người thiện Tâm. Do đó, nếu cùng ăn phải loại hoa quả đã dùng “thuốc” bảo quản thì người ác Tâm dễ bị mắc bệnh hơn người thiện Tâm. Mặt khác, nếu điều tra xã hội học thì thấy người thiện Tâm rất dễ tính trong vấn đề ăn uống. Sự ăn uống với họ không cầu kỳ, họ không thèm khát những của ngon vật lạ như những người ác Tâm. Nên người thiện Tâm phần nào cũng tránh được sự ô nhiễm do công nghệ bảo quản thực phẩm trong thời đại văn minh hiện nay.
3, Phương pháp khai thác tiềm năng con người và sự tương đồng giữa Đạo Phật với bộ môn Tâm năng dưỡng sinh-phục hồi sức khoẻ.
Những người có trí tuệ cao như các đức Phật, các ngài còn phát hiện ra rất nhiều quy luật của thế giới tự nhiên cũng như cách vận dụng thực hành khai thác những tiềm năng còn ẩn chứa trong cơ thể con người. Nhưng sự tồn tại của thế giới siêu vi mô rất siêu hình trừu tượng, khó mô tả, khó có thể diễn tả cho đại chúng con người tin hiểu. Do đó các ngài đành phải khái quát thật giản đơn bằng quy luật Nhân quả và biện pháp thiền để mọi người biết hướng từ từ tu tâm dưỡng tính trên con đường tiến hoá với thế giới tự nhiên.
Ai đã nghiên cứu về Đạo Phật ắt hẳn phải biết về triết lý: Sắc tức thị không, không tức thị sắc… trong kinh Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh. Bộ kinh này là bộ kinh cao cấp hướng dẫn cho các đệ tử nắm được quy luật tự nhiên và thực hành để vươn tới đỉnh cao có trí tuệ bát nhã. Hiểu thế nào là Sắc tức thị không, không tức thị sắc ? Hiện nay chúng ta thấy hầu như mỗi người hiểu một cách theo ý riêng của mình. Khó có thể nói ý của ai hiểu về triết lý đó mới là đúng nên không bàn luận thế nào mới là đúng ý trong kinh Phật, chúng ta đang nghiên cứu và thực hành TNDS nên hiểu theo cách của TNDS để khỏi phải tranh cãi tổn hại tới Tâm Đức.
Sắc tức thị không…trong kinh Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh có thể ý Đức Phật muốn chỉ ra rằng: Trong cái thân xác con người mắt thấy tay sờ, có hình có tướng cụ thể gọi là Sắc có cái Không, tức có cái Tâm, có cái tinh thần, linh hồn của con người, (vì nó vô hình vô tướng, mắt chẳng thấy, tay chẳng sờ được nên gọi là Không). Và Không tức thị sắc... nghĩa là trong cái Không, tức trong cái Tâm, cái tinh thần linh hồn con người, (vì vô hình vô tướng, mắt chẳng thấy, tay chẳng sờ được nên gọi là Không) lại có cái Sắc, cái Sắc ở đây là cái tính thấy, tính nhận biết được vạn vật xung quanh có hình có tướng mắt thấy, tay sờ… Hiểu như vậy cũng đúng với tinh thần Đức Phật muốn nói về thực chất con người cũng như vạn vật chúng sinh trong vũ trụ đều được tạo hoá cấu thành gồm hai phần, phần thứ nhất đó là thể xác vật chất mắt thấy, tay sờ, có hình, có tướng cụ thể gọi là Sắc; phần thứ hai đó là cái tính thấy, tính cảm nhận được vạn vật xung quanh mang danh là cái Tâm, cái linh hồn vô hình, vô tướng, mắt thường phàm phu không nhìn thấy, tay thường không sờ được nên gọi là Không. Không không có nghĩa là không có gì, cái Không này mới chính là bản chất thật của mỗi một con người, mỗi một loài vật, vật thể có hình có tướng cụ thể tại cái cõi giới không gian mắt thấy, tay sờ này. Hiểu như thế cũng phù hợp với tiêu đề của cuốn kinh: Bát nhã… Tâm kinh.
Đỉnh cao của Phật học là các phật tử tu luyện để vươn tới có trí tuệ Phật: trí tuệ bát nhã . Vậy làm thế nào để vươn tới đỉnh cao có trí tuệ bát nhã? Theo Phật học, Đức Phật có nói có tới 84.000 pháp môn để tu thành Phật, (trong đó có Pháp Không). Đọc và hiểu kinh Bát nhã…Tâm kinh thì pháp Không là con đường có hiệu quả cao nhất để khai thác được tiềm năng con người tiến tới có trí tuệ Phật, hiểu được đúng lời Phật đã truyền dạy trong kinh về Sắc tức thị không, Không tức thị sắc … là chân thật và sẽ nhận biết được cái Không bản chất thật của chính mình. Thực hành Pháp Không như thế nào? Đó là phương pháp thực hành ngồi Thiền định, bế chặt các giác quan, “trong lìa niệm, ngoài lìa cảnh”. Nói đơn giản dễ hiểu đó là ngồi yên không động đậy, cách ngồi như tư thế Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, mắt không nhìn, tai không nghe, đầu không nghĩ…không quan tâm tới bất cứ động tĩnh gì bên ngoài. Kiên trì thực hành Thiền định như thế, đến một lúc nào đó đủ duyên thì người thực hành Pháp Không sẽ nhận biết được cái Không , tức cái Tâm bản chất thật của chính con người mình, nó không đơn giản chỉ có tồn tại trong cái kiếp người bằng xương, bằng thịt hiện tại.
Như vậy thì sự Thiền định Pháp Không trong Đạo Phật tương đồng với phương pháp thực hành “luyện thân bất động, tĩnh tâm vô thức” trong TNDS về mặt khai thác tiềm năng con người. Bộ môn TNDS còn tương đồng với Đạo Phật ở chỗ các môn sinh, hoặc bất cứ ai muốn thực hành TNDS đều phải có nếp sống lương thiện, không được làm điều ác… Đạo Phật và TNDS chỉ khác nhau ở cấp độ mục đích vươn tới. Mục đích vươn tới của Đạo Phật đó là có trí tuệ Phật hướng tới giải thoát mọi sự rằng buộc của thế gian, còn mục đích của TNDS chỉ đơn giản là thực hành luyện tập để ít ốm đau bệnh tật, có sức khoẻ Thân-Tâm tốt hoà nhịp vào cuộc sống vui khoẻ có ích cho xã hội thực tại. Và việc Thiền định tu pháp không trong Đạo Phật thường dành cho những người có căn duyên với Phật cao ở nơi chùa chiền thanh vắng, còn việc luyện tập TNDS thì bất cứ ai cũng có thể tham gia được nếu có nhu cầu về sức khoẻ tốt và việc luyện tập đơn giản tại nhà hoặc tại bất cứ nơi nào có điều kiện thích hợp
Kết luận
Đạo Phật đã khuyên nhủ mọi người nên sống lương thiện để trở thành người thiện Tâm, đó là điều đúng đắn và rất khoa học có ích cho con người và xã Hội. Vì lời khuyên đúng đắn và khoa học như vậy nên Đạo Phật đã tồn tại được hơn 2500 năm tính đến ngày nay và sẽ tồn tại mãi mãi trong xã hội loài người như một chân lý.
Sự thiện Tâm là sự gia tăng sức khoẻ thân thể tốt, người thiện Tâm sẽ ít ốm đau bệnh tật hơn như phần trên đã phân tích. Giúp cho sự thiện Tâm được duy trì thường xuyên và đảm bảo sức khoẻ thân thể được tốt hơn nữa thì người thiện Tâm nên kiên trì luyện tập TNDS đều đặn, thường xuyên mỗi ngày khoảng 1 giờ đồng hồ. Luyện tập TNDS đều đặn, thường xuyên như vậy không những không phải băn khoăn về chuyện mình đã thật sự là người thiện Tâm hay chưa? mà còn có nhiều cái lợi vô hình khác, ít nhất như Đức Phật đã mô tả là đang gieo nhân lành cho chính mình và gia đình mình trong tương lai.
Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm TNDS-PHSK
Lê Văn Cường