Phật giáo giảng dạy rất nhiều điều để chúng sanh giác ngộ, nói rất nhiều mối nguy hại để chúng sanh từ bỏ. Tất nhiên mọi mối nguy hại sở dĩ từ bỏ được là do giác ngộ được ‘vị ngọt và mối hiểm họa’ khi không chịu từ bỏ nó. Giác ngộ được điều gì người ta suy gẫm, quán sát, tĩnh giác, chánh niệm, trú tâm, mượn sức huân lắng của giác ngộ hướng tâm đến cứu cánh, từ hướng tâm đến thấy cứu cánh gọi là tu hành.
Trong quá trình thực hiện những phần việc này, một ngăn trở rất lớn làm người tu hành không thể thực hiện được ý nguyện đó là ngũ triền cái.
• Ngũ triền cái là năm điều níu kéo người tu thiền ‘không vào được thiền’ gồm: Hôn trầm, thụy miên, trạo cử, hối quá, và nghi ngờ.
• Ngũ triền cái làm ‘yếu ớt tâm giải thoát’ gồm năm món: Dục tham, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, và nghi ngờ.
“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ Kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỳ Kheo, như không hân hoan, biếng nhác, chán nản, ăn quá no, tâm thụ động. Với người có tâm thụ động, này các Tỳ Kheo, hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại.”[[1]]
Ngũ triền cái chỉ xuất hiện khi bắt đầu trú tâm. Bình thường ngũ triền cái vắng mặt, nhưng khi chuẩn bị vào thiền thì năm món này xuất hiện. Không phải chúng xuất hiện đầy đủ năm món một lần mà mỗi lần chỉ một món, khi hôn trầm, khi trạo cử, v.v… (nếu có xuất hiện hai món hay nhiều hơn, tâm hành giả cũng chỉ cảm nhận triền cái nào mạnh nhất).
Do chúng xuất hiện vào thời điểm quan trọng nhất của người tu thiền, nên ngũ triền cái không thể lấy hiểu biết bình thường để loại trừ; mọi thứ trí tuệ thế gian hầu như vô dụng với nó. Ngài A Na Luật bị hành hạ đến phải chịu đui mù, mới biết với người tu thiền, ngũ triền cái là trở ngại lớn trong việc tu hành.
Phật dạy: “Vô minh là cái gì chúng sanh không thể biết được, nhưng ngũ triền cái xuất hiện thì biết có vô minh vì ngũ triền cái là thức ăn của vô minh.”
Theo lời dạy này thì ngũ triền cái là tướng của vô minh, biết có vô minh thông qua sự xuất hiện của ngũ triền cái. Nhưng vì sao vô minh lại xuất hiện vào thời khắc quan trọng này? Để biết được điều này, cần phải biết thời khắc này là thời khắc gì mà vô minh đưa ngũ triền cái ra ngăn trở như vậy.
Phật dạy: “Sơ thiền phải gồm đủ hai điều: Một là xa lìa, hai là cụ túc. Xa lìa là xa lìa ngũ triền cái, cụ túc là đầy đủ năm chi.” Lời dạy này nói lên tầm mức quan trọng của ngũ triền cái đối với thiền đầu tiên. Luận Đại Trí Độ nói về ngũ triền cái như sau:
“Bỏ được năm cái (ngăn che) ấy, như mắc nợ được thoát, bệnh nặng được lành, ở chỗ đói khát đến nước giàu, như từ địa ngục được ra, như trong chỗ giặc ác được tự thoát, an ổn không hoạn nạn. Hành giả cũng như vậy, trừ bỏ năm cái thì tâm được an ổn, thanh tịnh khoái lạc. Ví như mặt trời, mặt trăng bị năm thứ che mờ là khói, mây, bụi, mù, tay La Hầu A Tu La che, thời không thể soi sáng. Tâm người cũng vậy, bị năm cái che ngăn tự mình không lợi cũng không thể ích người.”[[2]]
Khi một chúng sinh xuất hiện ở đời thì đồng nghĩa với vô minh xuất hiện, vì không có vô minh thì không có chúng sanh: “Vô minh duyên hành, hành duyên thức.” Vô minh hiện hữu ở khắp mọi nơi, chi phối mọi hoạt động của mỗi chúng sanh.
Tướng của vô minh chính là nghiệp quả, mỗi loài một nghiệp khác nhau, và vô minh sai khiến loài nào hành xử như nghiệp loài đó, con trâu ăn cỏ, con cọp ăn thịt, con người sáu căn chạy theo sáu trần.
Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) luân chuyển trong vô minh mà không tự biết, bởi lẽ vô minh dạy con người phải làm như vậy mới là con người, con trâu phải làm như vậy mới là con trâu. Nói khác đi chúng sanh hoạt động theo cơ chế vô minh, hay chúng sinh với vô minh là một thể thống nhất.
Phật giáo ra đời chỉ cho chúng sanh biết hiện tại đang vô minh. Do hiện tại vô minh, nên lầm thấy có ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai), vì có ba thời nên có quả khổ. Tên khác của vô minh là mê lầm (vô minh là thể, mê lầm là dụng).
Phật giáo chủ trương hết mê lầm hết khổ. Muốn hết mê lầm phải tự giác ngộ, giác ngộ thấy rõ cứu cánh ba thời chẳng thể được (tam tâm bất khả đắc).
Ba thời chẳng được, quả khổ không còn, quả khổ không còn tạm gọi giải thoát, muốn thật giải thoát phải thật giác ngộ, muốn thật giác ngộ phải dứt vô minh. Nhưng vô minh là cái gì hình tướng nó ra sao thì một chúng sinh không thể tự biết.
Tuy không biết hình tướng đích thực của vô minh nhưng Phật đã chỉ ra ngũ triền cái là thức ăn của vô minh. Phàm ở đời cái gì không có món ăn nuôi lớn thì tự diệt, chính cơ chế này mà người tu thiền giết chết vô minh ban sơ bằng cách vượt qua ngũ triền cái, thân tâm không còn ngũ triền cái xuất hiện biết rằng vô minh đã yếu ớt. Tâm không yếu ớt, mới đủ sáng suốt hướng đến cứu cánh đã giác.
Chuyển biến này tạo ra ‘hiệu ứng thân tâm’ gọi là thiền. Như vậy, tu hành là ngược dòng từ vô minh đến chơn giác: “Tuỳ chiếu thất tông, nghịch dòng được chỉ.” (Thanh Văn, Duyên Giác dứt nhuận chi vô minh nhưng chưa hết lầm nên phải đợi giác ngộ chơn đế).
Đây là hình thức tỉa cành trước khi đốn ngã cây đại thụ vô minh. Nếu một lúc chưa thể dùng sức giác ngộ thầm hội cứu cánh, thì phải phá dẹp dần dần. Ví như người tìm lõi cây, trước mé cành nhánh, đến lột vỏ ngoài, kế đến vỏ trong, rồi tới giác cây, cuối cùng tìm thấy lõi cây.
Chúng sanh đời sống thường nhật ba nghiệp tuân thủ theo cơ chế vô minh; lấy vô minh làm thể và y đây tạo tác, như ăn no không thấy đói, đang nóng không thấy lạnh, đói no nóng lạnh đều từ vô minh biến hiện. Vì chúng sanh với vô minh nhất thể nên chúng sanh không tự thấy vô minh, như con mắt không tự thấy chính nó. Giác ngộ tu hành là chuyển biến nguồn tâm từ mê đến giác, từ phàm lên thánh, từ vô minh sâu dày thành mỏng nhẹ, dần đến hết vô minh. Tức ngược lại những gì hành nghiệp đang chuyển, làm trái hiện nghiệp tức làm cho vô minh thành giác.
Thì cũng vậy, trước khi thấy được cứu cánh, vượt qua ngũ triền cái để vào các thứ thiền định là công đoạn bắt buộc người tu thiền phải dõng mãnh vượt qua. Vượt qua ngũ triền cái chính là bước đầu vượt qua chính bản chất chúng sinh, đến chiến thắng vô minh. Trường hợp này ngũ triền cái xuất hiện là bất thiện pháp. Nếu chiều theo nó không gắng sức vượt qua và thuận theo năm món này chính là ác pháp. Ác pháp bởi vì nuôi lớn vô minh và không thuận con đường giác ngộ.
Giây phút người tu thiền chuẩn bị nhiếp tâm dừng hiện nghiệp, sáu căn sắp sửa rời bỏ vô minh hiện tiền để thể nhập giác trí, thì ngay chỗ thể nhập giác trí đầu tiên là thấy được tướng trạng vô minh.
Tướng trạng vô minh đầu tiên giác trí thấy được đó là tướng ngũ triền cái. Nên ngũ triền cái chỉ xuất hiện khi thân tâm có khuynh hướng bất động. Hằng ngày thân tâm vọng động, tòng theo vô minh tạo tác. Vô minh được ăn no thức ăn ngủ nghỉ phóng dật nên vô minh không còn đòi hỏi. Đợi đến khi thân tâm sắp vào tĩnh lặng, nghiệp không hiện hành các căn tạm yên, thì vô minh hiện ra đòi sự sống.
Nên có thể nói với người tu thiền khi ngũ triền cái xuất hiện thì biết thân tâm có khuynh hướng vắng lặng, giống như mảnh vải càng trắng thì đốm đen dễ nhận. Nhưng vì thể của ngũ triền cái là vô minh nên giữa giác trí và vô minh xảy ra tranh chấp. Giống như lực đẩy và lực hấp dẫn, lực nào lớn hơn sẽ thắng, nếu vô minh (ngũ triền cái) thắng thì giác trí là vô minh, nếu giác trí lấn át thì ngũ triền cái trở thành hỷ lạc.
Từ cơ chế này các thiền chi khởi lên, sự xuất hiện của thiền chi cho phép hành giả biết rằng thân tâm đã thuận theo nguồn giác. Thuận theo nguồn giác nên thiền mới sanh. Khi tâm có thiền thì ngũ triền cái vắng mặt. Tất cả mọi giác ngộ trong Phật giáo đều có khuynh hướng đưa thân tâm đến vắng lặng bất động. Nên dù giác ngộ ở thừa nào, cứu cánh ra sao đều có vị của thiền (Tứ Thiền), chỉ hành giả nhận biết hay không nhận biết. Ngũ triền cái hiện diện và ngăn trở là điều khó tránh khỏi (nhiều hay ít còn tùy tốc lực tâm và túc duyên).
• Do vì ngũ triền cái là trở ngại lớn như vậy với người tu thiền, nên vượt qua trở ngại này là bước khởi đầu vào thắng trí.
• Như đã nói, vô minh tồn tại dưới dạng nghiệp quả, hoạt động theo cơ chế của nghiệp cho nên muốn không bị vô minh sai khiến, vào thiền không bị ngũ triền cái làm ngại, cách tốt nhất là làm ngược lại những gì vô minh mong muốn.
• Vô minh khiến tham thì không tham, vô minh bảo sân thì không sân, vô minh kêu gọi ăn ngủ nhiều được lạc thọ thì làm ngược lại là: Chỉ ăn đúng như pháp, ngủ đúng như pháp.
Phật dạy: “Ăn ngày một bữa, ít bịnh ít não, thân thể khinh an dễ đắc thiền định. Hay đầu hôm, giữa khuya, gần sáng phải thường tự tĩnh giác.”
• Nói chung muốn ngăn chặn ngũ triền cái thì người tu phải hướng tâm đến cứu cánh mãnh liệt. Hướng tâm đến cứu cánh mãnh liệt là nguồn sức mạnh đẩy lùi lực hấp dẫn của ngũ triền cái.
• Hướng tâm đến cứu cánh mãnh liệt thì tịnh hạnh xuất hiện, bởi cứu cánh Phật giáo và tịnh hạnh không phải hai pháp. Tịnh hạnh là đời sống bậc thánh của Phật giáo. Tịnh hạnh là làm ngược lại những gì nghiệp quả sắp bày. Tịnh hạnh là “nạo sạch chánh tính, làm trái hiện nghiệp.”
Hiện nghiệp chẳng thuận phàm tình thì vô minh dần dần bị chuyển hóa, trong đó ngũ triền cái cũng chuyển hóa theo. Ngũ triền cái là năm bệnh về thân và tâm chúng sanh, đưa thân tâm này vào tịnh hạnh là tập sống đời sống bậc thánh. Vô minh chỉ tồn tại trong đời sống chúng sanh, giác ngộ triệt để thì “vô vô minh tận, vô vô minh diệt.”
“Năm lên bảy tuổi, nhân theo vua cha dự lễ thượng điền ngoài thành. Khi dự lễ, vua cha, cung nữ, thần dân đều vui say ca múa mừng lễ hội, duy thái tử ngồi dưới bóng cây trầm ngâm, thời khắc đó thái tử nhập sơ thiền.”
Vì sao thái tử nhập sơ thiền mà không bị ngũ triền cái làm trở ngại? Bấy giờ thái tử chưa biết giác ngộ đạo giáo là gì nhưng tại sao lại được thiền?
Chính thái độ chán ngán đời sống hiện tại nên thái tử trầm tư, trầm tư mãnh liệt với tâm chán ngán mãnh liệt, từ bỏ hết mọi lạc thú trên đời, đó là một hình thức khác của hướng tâm đến cứu cánh dứt khổ. Chính sự mãnh liệt này thái tử vào thiền mà không bị ngũ triền cái cản trở. Nếu không như vậy thì ngồi dưới bóng mát thế nào cũng ngủ.
Cơ chế từ ngũ triền cái chuyển thành hỷ lạc, cho thấy ngũ triền cái vừa là kẻ thù vừa là bằng hữu của người tu thiền.
Bằng hữu là vì có vắng lặng mới có ngũ triền cái, chiến thắng kẻ thù ngũ triền cái sẽ được hỷ lạc.
Hỷ lạc là dấu ấn ban đầu của nguồn tâm từ mê thành giác. Giác đến bao giờ không còn nhìn thấy ‘ngũ triền cái’ khác ‘hỷ lạc’, ‘sợi dây’ khác ‘con rắn’ thì vô minh đích thị trí tuệ, con rắn đích thị sợi dây, ra khỏi dựng lập phỉ báng. Vô minh hay ngũ triền cái chỉ có tên gọi mà không có thực thể (phàm nói trâu, thánh cũng nói trâu).
Như vậy thực thể vô minh là gì? Thật có vô minh chăng? Giống như bóng tối và ánh sáng, nếu bóng tối là ‘có thực’ thì chẳng thể nào làm cho sáng được.
Vì bởi không sáng nên gọi là tối chứ chẳng thể có một thứ bóng tối vĩnh hằng. Nếu biết làm cho sáng thì bóng tối kia tức thị ánh sáng, tối và sáng chẳng phải hai.
Vì vậy, chẳng phải không vô minh, cũng chẳng phải có vô minh, vô minh đã vậy thì ngũ triền cái như thế nào đây? Tất cả chỉ là giả danh, vì giả danh nên ngũ triền cái dứt thì hỷ lạc liền sanh.
Sự sanh này chứng minh ngũ triền cái và hỷ lạc không phải hai món, sở dĩ thấy có hai là vì dị biệt giữa mê và giác trong một chúng sanh. Kinh Kim Cang Phật dạy: “Chúng sanh chúng sanh giả, Như Lai thuyết phi chúng sanh thị danh chúng sanh.”
Đoạn kinh sau nói rõ về ngũ triền cái và tác hại của nó:
“Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ Kheo:
Này các Tỷ Kheo.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ Kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
Có năm chướng ngại triền cái này, này các Tỷ Kheo, bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm?
Dục tham, này các Tỷ Kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
Sân, này các Tỷ Kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm làm yếu ớt trí tuệ.
Hôn trầm thụy miên, này các Tỷ Kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
Trạo hối, này các Tỷ Kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
Nghi, này các Tỷ Kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
Những pháp này, này các Tỷ Kheo, là năm chướng ngại triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
Này các Tỷ Kheo, Tỷ Kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ, không có sức mạnh, và trí tuệ yếu kém, sẽ biết lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, hay sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.
Ví như, này các Tỷ Kheo, một con sông chảy, từ núi xuống, chảy thật xa, dòng chảy nhanh cuốn trôi mọi vật. Rồi có người lấy cày mở hai bên bờ sông. Như vậy, này các Tỷ Kheo, dòng sông ấy ở chặng giữa bị trở ngại, tràn rộng, bị chuyển hướng, không còn chảy ra xa, không còn chảy nhanh, không cuốn trôi mọi vật.
Cũng vậy, này các Tỷ Kheo, Tỷ Kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ, không có sức mạnh và trí tuệ yếu kém, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.
Này các Tỷ Kheo, vị Tỷ Kheo ấy, sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ, có sức mạnh và có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay sẽ biết được lợi ích của cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra.
Ví như, này các Tỷ Kheo, một con sông chảy từ núi xuống, chảy thật xa, dòng nước chảy nhanh, cuốn trôi mọi vật. Có người chận đóng lại các cửa miệng hai bên bờ sông. Như vậy, này các Tỷ Kheo, dòng sông ấy ở chặng giữa không bị trở ngại, không có chảy tràn, không bị chuyển hướng, chảy được thật xa, dòng nước chảy nhanh, cuốn trôi mọi vật.
Cũng vậy, này các Tỷ Kheo, Tỷ Kheo ấy sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ, có sức mạnh, có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết được lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra.”[[3]]
Ngũ triền cái của đoạn kinh này hướng đến giác ngộ giải thoát nhiều hơn là hướng đến các thiền thú. Nên ngũ triền cái ở đây gồm: