Như một thông lệ không thể thiếu ở nước Hoa kỳ cực kỳ văn minh vật chất này là đến mùa lễ Halloween thì ma quỉ có dịp đi đầy đường dưới hoá trang! Và cũng ở Hoa kỳ, vẫn có đạo Quỷ vương làm chuyện quái đản như đào trộm thây người. Xem như vậy, nói chuyện ma đâu phải lỗi thời! Nhưng vấn đề là nói chuyện ma khó hay dễ? Có người hỏi một hoạ sĩ vẽ ma khó hay dễ thì được trả lời: Vẽ người khó vì người có thực, vẽ sai biết ngay. Còn ma quỉ thì vô hình thì vẽ sao cũng được. Tuy thế, nói câu chuyện ma không đơn giản chút nào cả. Hình bóng ma vẫn ám ảnh đầu óc con người, kẻ nói có, người nói không! Một điều ai cũng đồng ý là quan niệm người ta chết thì đều thành ma cả, như phong tục Việt gọi đám xác chôn người chết là “đám ma” còn hình thể của ma nó ra sao thì mỗi người tin một cách.
Lễ hội ma quỷ Halloween hằng năm tại Hoa Kỳ.
Trường hợp Đức Khổng tử khi người ta hỏi về chuyện siêu hình sống chết thì Ngài bảo rằng: Vị tri sinh, yên tri tử (nghĩa là chưa hiểu biết về sự sống,làm sao đã biết đến việc chết). Nhưng có người lại hỏi có ma quỉ hay thần thánh không, thì ngài bảo rằng “Quỉ thần kính nhi viễn chi” (Quỉ thần thì nên kính, mà ở xa không nói đến).
Nếu có ai hỏi rằng quỉ thần có linh thiêng không, thì ngài lại bảo: Linh tại ngã, bất linh tại ngã (Linh hay không linh đều do mình thôi). Vậy thấy nếu áp dụng vào câu chuyện của chúng ta, ta có thể nói chuyện Ma trên đời này chỉ có một mẫu số chung duy nhất, đó là một điều bí hiểm chưa ai giải được. Nhưng trong cái nhìn chung này lại có rất nhiều cái nhìn riêng khác nhau mà mỗi người, mỗi dân tộc hay mỗi văn hoá thì quan niệm mỗi khác thôi.
Trước hết chúng ta cần hiểu về quan niệm của con người biến thành Ma ra sao trong văn hoá Việt Nam. Dân Lạc Việt mình vào đời thượng cổ hoang sơ đã có niềm tin về chuyện linh hồn. Nhưng sau khi tiếp xúc với văn hoá Trung Hoa và Ấn độ với ba nguồn tư tưởng là Nho. Lão, Phật, quan niệm về thế giới siêu hình của dân Việt là một hình thức dung hợp thể hiện qua phong tục và tín ngưỡng.
Con người sống gồm hai phần là Hồn và Thể Phách. Sau khi chết thì thể-phách sẽ mất và hồn sẽ ra ma, như câu Kiều vậy: Thác là thể phách, còn là tinh anh.
Nói chi tiết thì con người có “ba hồn, bẩy phách (hay vía)”.
Ba hồn kể ra là:
1) Sinh hồn là cái hồn sống vì nó chứa nguồn sinh lực cho sự sống.
2) Giác hồn là cái hồn biết vì nó điều khiền nhận thức của các giác quan; nhìn, nghe, sờ, nếm, ngửi.
3) Linh hồn là cái hồn thiêng vì nó không tan mất.
Thất phách (vía) là thất tình: hỉ (vui), nộ (giận), ai (buồn), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (thèm muốn).
Nhìn vào phong tục VN, khi một người vừa chết thì có tục lệ Chiêu Hô [Một người con cầm cái áo của người chết rồi leo lên mái nhà, tay trái cầm cổ áo, tay phải cầm vạt lưng áo rồi gọi tên ba lần: Ba hồn chín vía cha (mẹ) ở đâu về với con.] Với tục chiêu hô, người ta hy vọng người chết động lòng sống lại. Cái hồn phục sinh trước tiên là cái Sinh Hồn vậy.
Trong khi sống, người ta đôi lúc bị kinh sợ quá mà mất hồn mất vía (hồn siêu phách lạc) hoặc bất tỉnh nhân sự lâu gọi là “hồn bất phụ thể”; thì cái hồn này là cái Giác Hồn.
Còn người bị thực sự hôn mê tức là vẫn sống mà không biết (còn Sinh Hồn nhưng mất Giác Hồn).
Khi người bệnh đã thực sư chết thì người nhà lấy một miếng lụa hoặc vải trắng dài 7 thước ta để lên trên mặt, sau kết lại thành hình người gọi là “Hồn Bạch” để Hồn thiêng người chết nhập vào đấy. Hồn Bạch dùng để thờ cúng trên linh toạ hay bàn thờ. [Người ta lại có tục phủ mặt người chết bằng một tờ giấy bản. Tờ giấy này cất đi mà soi ngó lên bàn thờ sẽ thấy hồn ma về ăn giỗ!]
Người Việt Nam cũng tục canh giữ không cho mèo nhẩy qua người chết vì sợ thi thể hút cái tinh lực của mèo mà nhổm lên thành “Quỉ Nhập Tràng.”
Bây giờ ta hãy tìm hiểu tiếp về hành trình của hồn người chết đi vào cõi chết ra sao?
Sau khi chết thì phần Phách sẽ tiêu theo xác thịt, còn lại phần Linh Hồn tinh túy như câu Kiều mô tả: Thác là thể phách, còn là tinh anh. Đối với những người tầm thường, sau khi chết linh hồn sẽ trở thành những Ma rồi về sau này Ma lại chết đi để trở thành những Mị nằm ẩn náu trong đất đá cỏ cây.
Những người già cả, chết tốt lành đúng số (nói chữ làkhảo chung mệnh) thì hồn ma không hiện về. Trái lại, người chết dữ dằn, chết oan thì thành vong hồn uổng tử. Còn đối với các bậc siêu nhân, thì Linh Hồn sẽ thăng hoa và hiển thánh, hiển thần để thành Tiên, Thánh, Thần, Phật… ( như trường hợp các danh nhân lịch sử: Thánh Gióng, Đức Thánh Trần)
Theo Phật giáo, qua tục Cúng Thất Thất Lai Tuần, chúng ta có thể hiểu chuyện người sống khi chết biến ra ma ra sao? Vừa mới chết, hồn người chết bị Thành Hoàng là vị thần cầm sổ bộ điạ phương phái hai tên Ngưu Đầu và Mã Diện áp tải đến tra án trong 49 ngàyvề những hành vi thuở sinh còn sống. Hồn sẽ tự do hay bị gông cùm tuỳ theo tội trạng. Đến ngày 35 sau khi chết, hồn được phép về thăm nhà, rồi sau đó có hai trường hợp:
1) Siêu linh là lên thuyền Bát Nhã qua miền Tịnh thổ nếu được sư tăng tụng niệm. (Ở Huế, tang gia có tục hát “Hò Đưa Linh” với ý niệm này.)
2) Hoặc sau 49 ngày bị xuống Thập Điện Diêm Vương và ở đây 28 tháng để chờ đi đầu thai kiếp khác. Thời gian này tương đương với thời gian thân nhân để tang. Đi đầu thai rồi hay được cúng giỗ thì hồn ma không hiện ra hoặc báo mộng cho người sống nữa.
Người Việt thường phân loại những hồn ma tùy theo nghiệp chết.
Chết trôi thì thành ma rà; chết thắt cổ thì thành ma vòng, chết bị cọp ăn thì thành ma trành, chết bị chém đầu thì thành ma cụt, chết bệnh dịch thì thành ma ôn. Những con ma rà, ma vòng, ma trành, ma ôn thường phải lôi kéo những người sống phải chết giống như chúng để thế chúng thì hồn chúng mơí có thể đi đầu thai được.
(Theo danh từ Hán Việt, hồn ma người chết thường gọi chung là “Ma” hay “quỉ” như câu của Trần Bình Trọng trước khi bị quân Tàu chém: “Thà làm Quỉ nước Nam hơn làm Vương đất Bắc,” nhưng theo tin tưởng dân gian thì quỉ dữ hơn ma!).
Phong tục Việt vẫn tin rằng những hồn ma chết oan thường không siêu thoát mà chỉ luẩn quẩn tại nơi chốn bị chết. Do đó, có tục lập am miễu ở dọc đường, bờ sông, sau bệnh viện …. Ví dụ như Miễu Âm hồn ở Huế cho dân chạy giặc ngày Thất thủ Kinh đô Huế, Miễu Vợ chàng Trương mà vua Lê Thánh Tông đã vịnh qua câu thơ:
Nghi ngút đầu ghềnh khói toả hương
Miễu ai như miễu vợ chàng Trương.
Người Việt thường có tục Cúng Chiêu Hồn cho những người bị chết đuối hay tự tử ngoài bờ sông như trường hợp Thuý Kiều gieo mình trên sông Tiền Đường được gia đình lập bài vị và cúng vớt hồn:
Chiêu hồn thiết-vị lễ thường,
Giải oan lập một đàn tràng bên sông.
Thông thường trong lễ vớt hồn, thì vị sư cầm một “cành phướn” ra bờ sông làm phép rồi khua khắp phía để thu hồn người chết đuối vô phướn, xong hướng dẫn vào huyệt mộ sẽ chôn. Nếu không làm thế, thì nơi sông này sẽ có “huông” nghịã là có ma rà ở dưới rình rập những người ra sông tắm giặt để kéo chân cho chết mà thế mạng cho nó. Để tránh “huông”, có tục quăng hình nộm người giả xuống gọi là “hình nhân thế mạng”.
Theo tín ngưỡng của dân gian, hồn ma thường được gọi tên khác nhau tuy nguyên nhân cái chết, theo cấp độ tác quái tác yêu cho người sống chẳng hạn như ma rà, ma trành, ma chẹt, ma lai rút ruột, ma mộc, ma xó... hoặc như những mụ cô ông trạng là hồn những đồng nam đồng nữ còn trinh, chết oan khuất vào giờ thiêng. Những cô hồn, tinh ma, yêu quái trong thế giới siêu hình thường có hai thái độ: một là phá quấy, làm đau ốm, hay bắt người ta chết nếu người sống tỏ ra khinh thường, vô lễ xâm phạm mồ mả hay lơ làng quên đèn nhang cúng cấp lễ vật…; hai là trở nên cứu nạn, độ trì, phò hộ nếu được lập miễu thờ cúng thường xuyên. Vai trò của pháp sư và những bùa chú là để trừ khử những loài quỉ dữ.
Việt Nam có phong tục Ngũ Đại mai thần chủ, nghĩa là đối với tổ tiên trên năm đời thì đem chôn bài vị những vị trên thế hệ Ông Sơ, Bà Sơ mà không còn cúng cấp nữa vì linh hồn của họ đã siêu thoát hay đầu thai kiếp khác.
Người Việt thường tin rằng những hồn ma của các sắc dân thiểu số rất đáng sợ: Những ai lên rừng núi mạn ngược làm ăn phải coi chừng những ma mọi, ma mường, ma hời, ma đàng thổ vì chúng có thể trả thù làm bụng báng nước, vàng da mà chết (Theo khoa học đó chỉ là chứng sốt rét ngã nước!)
Sau đây là vài câu chuyện ma đặc thù:
Ở thượng du miền Bắc có loại “ma cà rồng” thường nhập vào người đi hút máu người khác. Người Mường có tục nuôi “ma xó” nghĩa là dựng xác người chết trong xó nhà để canh nhà. [Chẳng hạn có chuyện người Việt đi vô rừng, đói bụng quá bèn ghé vào một cái quán nước nhưng vắng vẻ không ù người. Người này bèn lấy một cái bánh bóc ra ăn thì bỗng nghe một tiếng người nói ra từ trong xó nhà vọng ra: “Một, trả năm tiền”! Vô tình, người này tiếp tục rót một bát nước uống thì lại nghe tiếng đếm: “Hai, trả một trinh.” Nếu không biết móc tiền ra trả thì về nhà thế nào cũng bị chướng bụng mà chết.]
Ở vùng Bình Thuận nguyên là đất Chiêm Thành, có loài “ma lai rút ruột” nghĩa là ban ngày là người nhưng ban đêm thì hoá ra ma đi ăn phẩn người khác, người bị ăn phẩn tự nhiên chết vì mất cả ruột. [Nên trong rừng mà đi đại tiện thì phải đào hố rồi lấp đất che đi. Trường hợp muốn trừ ma lai nên rình rập chờ ban đêm khi nó ngủ và thả hồn đi ăn phẩn thì xoay ngược thân thể nó lại để lúc gần sáng, hồn ma lai trở về không biết cách nhập vô xác cũ.]
Dân quê thường cho những đốm lân tinh bay trong bãi tha ma là những con “ma trơi”. Các bà đi chợ lúc trời còn tối đất, nhá nhem chưa sáng, có thể gặp người lạ làm quen, mà mình mời ăn trầu và người đó bỗng lè luỡi thật dài ra để lấy miếng trầu: đó là “ma le”. Lại có trường hợp một người ban đêm ngủ trong nhà bỗng mất tích, sáng ra thấy người đó nằm trong một bụi tre gai rất khó vô, miệng bị nhét đầy đất sét: đó là bị “ma dấu”. Người nhà quê lại kể khi thấy một cơn gió cuốn tròn, lấy nón lá úp lại thì thấy một cục máu thì đó là “ma trốt.”
Trong mắt người dân quê, hầu như ma ở khắp nơi nhưng vô hình, ngoài ma người chết, còn có những ma súc vật, ma mộc. Truyện Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tung Linh góp nhặt nhiều chuyện ma trong dân gian Trung Quốc trong đó có chuyện những con hồ ly tu luyện lâu năm hay chuyện những cây đào cây liễu thành “tinh”. Người Việt cũng tin có ma chó, ma heo ở quanh lò sát sinh.
Họ còn tin những gốc cây cổ thụ trong rừng rú hoang vu là nơi ẩn náu của những loài tinh quái, nên gỗ của những cây này xẻ ra làm giường phản hay quan tài thường có “mộc tinh”. Ngủ trưa mà thấy ngực bị đè khó thở thì dân quê nói là bị “mộc đè”sinh ra ác mộng. Trước khi khâm liệm thi thể người chết vào cỗ quan tài, thì thường phãi rước thầy làm lễ “phạt mộc” nghĩa là cầm hương đọc chú rồi cầm dao chém vào gỗ để đuổi tinh ra. Khi khâm liệm, lại có tục bỏ một cuốn Lịch có dấu kiềm Khâm Thiên Giám để trừ ta, vì thần linh và yêu ma trong một nước cũng dưới quyền của vua.
Cũng nói thêm, khi đưa đám ma, trên đường cũng có nhiều hồn ma lần quẩn trì kéo lại, nên ta có tục rải giấy vàng bạc cho chúng để lót, và khi hạ quan tài xuống huyệt, người ta cũng phải yểm khứ tà ma.
Hằng năm vào dịp Rằm Vu Lan là dịp cầu cho linh hồn cha mẹ, tổ tiên được siêu linh miền Tịnh thổ và cũng là dịp cúng thí thực những cô hồn bằøng cháo lỏng bồ đài, cốm nỗ, áo binh và tiền giấy… Đêm giao thừa ở Việt Nam là thời điểm đón linh hồn ông bà tổ tiên về ăn Tết để rồi đến mồng ba thì đưa tiễn các cụ trở về âm giới. Cây nêu trồng trước cửa nhà với chuông khánh leng keng là dấu hiệu chỉ lãnh thổ của nhà Phật để quỉ ma không dám quấy nhiễu.
Một điều nên biết là đối với xương cốt của người chết, nhất là xương sọ, người Việt có một tin tưởng sợ hãi hồn người chết sẽ hiện lên đòi lại! Bởi thế trong tục Cúng đất ở Huế người ta phải van vái những hài cốt vô danh còn chôn dấu trên đất của nhà mình. Những chuyện về hài cốt và thủ cấp người chết ra sao?
Ở Trung hoa và Việt Nam ngày xưa, di hài người chết được coi là thiêng liêng nhất là cái đầu lâu. Câu chửi “đào mồ cuốc mả” là một sự nguyền rủa ghê gớm. Dân gian tin tưởng rằng người chết không toàn thây thì linh hồn không siêu thoát như câu: Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa (Chiêu hồn ca). Đầu lâu gọi là “hoa cái”, có nhiều chuyện “ma cụt” hiện lên đòi lại đầu. Và lại có chuyện thày bùa đào mộ lấy đầu gái đồng trinh luyện “Thiên linh cái”.
Trong lịch sử VN, có vài vụ liên quan đến hài cốt của người chết và hiện hồn như sau:
Vào năm 1790, quân Tây Sơn đào mả cha của Nguyển Ánh rồi đem vất hài cốt xuống thượng nguồn sông Hương. Về sau khi Nguyễn Ánh trở thành vua Gia Long thì một người chài cá vớt được cái sọ lên . Nhà vua bèn khảo nghiệm tìm phụ hệ bằng cách trích huyết của mình rồi nhỏ vào xương sọ này thì thấy đúng là của cha mình, bèn xây một cái lăng để chôn gọi là Lăng Sọ.
Vào năm 1802, vua Gia Long lên ngôi bèn trả thù mà ra lệnh đào mả lấy hài cốt của anh em Tây sơn Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ lên lấy chầy giã ra rồi rảy ngoài gió, chỉ giữ lại hai cái sọ bỏ vào Ngục Thất bỏ trong vò rồi xiềng lại trong một phòng kín được niêm phong. Những người lính canh ngục thường kính sợ gọi những vò này là Ông Vò hay Chuá Ngụy nên thường hương đèn van vái. Về sau, những vò sọ này đã biến mất, người ta phõng đoán là vào thời điểm Triều đình Huế đánh úp Tây ở đồn Măng cá năm 1885, những người tù Ngục Thất phá ngục chạy trốn đã mang theo những vò trên.
Dân Huế tin tưởng rằng di cốt đầu lâu của Chúa Ngụy Tây sơn rất linh qua những việc sau: Thứ nhất là theo đám phi tần trong cung cấm kể lại, một cái sọ trên đã hiện lên thành con hổ-miêu cho vua Đồng Khánh. Nhà vua vốn là một thiện xạ bèn nhắm bắn bằng súng. Hổ miêu bèn hoá thành con gà trống vàng bay một vòng quanh trên bàn ghế trong cung điện rồi biến mất. Sự ma hiện hình này khiến vua Đồng Khánh trở bịnh và từ trần rất chóng. Chuyện thứ hai là vua Thành Thái hồi còn bé có thể một lần nào đó thấy những vò Sọ trên bèn ám ảnh về sự trả thù Chúa Ngụy nên đâm ra điên điên khùng khùng.
Chúng ta có thể nói trong nhiều văn hoá ở những dân tộc khác nhau đều có lắm chuyện ma hiện hình về báo oán cả. Người ta càng tin tưỡng là những sinh vật gì lúc sống có một sức sống mãnh liệt thì khi chết ra ma, hồn của chúng cũng vô cùng khủng khiếp. Hồn ma của người là đáng sợ hơn cả vì con người là loại tối thông minh trong vạn vật. Còn trong những loài thú thì con thú nào khôn ngoan thì cũng có hồn ma như người Á Đông thường tin tưởng: nào là chuyện Ma rắn Thị Lộ báo oán ông Nguyễn Trãi, nào là bao nhiêu chuyện về Thần Hổ, về Ma Chó hay nhiều chuyện hồ ly tinh tu luyện nhiều năm trong tập truyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh. Thậm chí một gốc cây cổ thụ lâu năm trong rừng cũng có thể chứa Mộc tinh, một cây Sứ Mộc Lan cũng chứa hồn thiêng để tác quái tác yêu!
Riêng về người ta thì một người càng nhiều uất ức, hận thù thì hồn ma khó mà siêu thoát tiêu diêu. Điều này được coi như là một xác tín mà ngay cả nền công lý của người sống trong xã hội xưa cũng công nhận thành tục lệ. Ngày xưa ở Việt Nam, trước khi mở trường thi cho sĩ tữ vô ứng thí đều có nghi lễ chính thức là Tế những hồn ma ân oán rồi sau đó có tục gọi loa như sau: Báo oán tiên nhập, báo ân thứ nhập, sĩ tử thứ thứ nhập!
Chuyện ân oán của những kiếp người khi còn sống vốn là những màn kịch không bao giờ dứt vì càng tham sống một cách u mê là càng phải cạnh tranh và trừ diệt nhau. Chết dứt khoát không phải là hết, do đó mới có chuyện hồn ma! Có lẽ chính vì vậy mà Phật giáo thường chủ trương là nên hoá giải vì Lấy ân trả oán thì oán nọ tiêu tan, Lấy oán mà trả oán, oán oán trập trùng.
Bởi thế, chúng ta bây giờ mới hiểu tại sao trong nghi lễ Phật giáo, thường có tụng kinh sám hối cho người sống và cầu siêu giải oan cho người chết:
Nhờ Phật lực siêu linh tịnh độ,
Phóng hào quang, cứu khổ độ u,
Khắp trong Tứ Hải quần chu
Não phần quét sạch, oán thù rửa trong
Một số quan niệm về Hồn Ma
"Hồn Trương Ba da hàng thịt" và sự thật thuật "mượn hồn"?
... "Những giấc mơ “Hồn Trương Ba da hàng thịt” thường xuất hiện ở những người có thể chất yếu đuối và không tự tin trong quan hệ tình cảm. Ký ức của họ lộn xộn, không tuân theo các quy tắc nhất định. Họ thường gặp nhiều điều rất quái đản trong giấc mơ và thường xuyên cảm thấy bị xấu hổ khi tỉnh dậy. Do đó, để chữa những giấc mơ ấy, con người cần phải có thể chất tốt và đặc biệt phải sống chân thành, lành mạnh, tự tin với những quan hệ tình cảm của mình..."
Những hoán đổi kinh hoàng của bóng tối
Những giấc mơ kiểu đó con người thường gặp vào lúc sức khỏe không được tốt, tâm lý căng thẳng. Điều lạ lùng là khác với các giấc mơ thông thường khác, con người hầu như nhớ rất rõ, đến từng chi tiết nhỏ câu chuyện diễn ra trong mơ. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến những quyết định của con người đó khi tỉnh dậy.
Vua Lue, một vị vua ở miền đất thuộc nước Hy Lạp xưa có một người thiếp yêu vô cùng. Nàng xinh đẹp, dịu dàng và có tài chơi đàn giỏi đến mức mà người đời xưng tụng nàng là chim họa mi của trần gian. Vua Lue ra lệnh rằng, tất cả những người chăn dê trong vùng đất mà ông ta cai quản phải dâng những hũ sữa mà những con dê cái có lần đầu tiên để cho nàng tắm...
Một lần đi săn, do mải đuổi theo một con sơn dương nên nhà vua trượt ngã và bị gãy một chân. Sức khỏe nhà vua trở nên tồi tệ và ông liên tục bị những giấc mơ hành hạ. Một lần, ông nằm mơ thấy người thiếp yêu của mình ăn nằm với một vị quan đại thần. Khi tỉnh dậy, nhà vua cố gắng xua những gì diễn ra trong giấc mơ. Ông triệu nàng đến. Người thiếp vẫn dịu dàng, trẻ trung và xinh đẹp.
Cô ta không hề biết được con mắt nghi ngờ của nhà vua đang nhìn mình. Đêm hôm sau mọi chuyện lại tiếp tục diễn ra trong giấc mơ y hệt những gì nhà vua đã mơ hôm trước. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho là mình đã được thần linh báo mộng hai lần như vậy thì chắc chắn phải có chuyện. Vua Lue ra lệnh cho viên tướng thân cận đi bắt viên đại thần láo xược đó và bắt luôn cả người thiếp yêu. Ông ra lệnh chém đầu hai người đó và mang thủ cấp về trình báo lại.
Viên quan đại thần là một người rất có uy tín và được dân chúng kính trọng, còn kẻ địch của đất nước thì kinh sợ. Viên tướng cận thần là một trung thần nên đã không vội vã thực hiện điều nhà vua sai khiến ngay. Thông qua một vị lão thần khác, viên tướng biết được giấc mơ của nhà vua. Ông ta bèn bí mật cho quân lính giám sát ngày đêm vị quan đại thần và người thiếp đó. Nhà vua tiếp tục bị một giấc mơ như vậy hành hạ.
Sau khi được biết người thiếp vẫn chưa bị giết, nhà vua tức giận định chém viên tướng, nhưng viên tướng đã tâu lại rằng, ông ta đã cho lính giám sát và không thấy dấu hiệu khả nghi nào hết. Nhà tiên tri trông coi đền Apollo được mời đến để xem xét tính chân thực của giấc mơ. Ông ta sau khi đã làm lễ tế thần Appollo - thần của ánh sáng và tri thức, liền đến cung vua. Ông yêu cầu nhà vua kể lại tỉ mỉ từng chi tiết trong giấc mơ.
Nhà vua nhớ lại rằng, trong giấc mơ ông thấy vị quan đại thần ôm ấp một người đàn bà nào đó, nhưng chỉ một lát sau thì người thiếp ấy lại biến thành chính người thiếp yêu của mình. Trong giấc mơ, nhà vua không nghĩ rằng người đó là người thiếp của mình nhưng mắt thì lại nhìn rõ cả bộ xiêm áo mà ông đã ban tặng cho nàng. Nhà tiên tri hỏi lại rằng, nhà vua có nhớ là đã gặp người đàn bà xuất hiện trước chưa và ông đã bao giờ nhìn thấy vị đại thần nọ ôm người đàn bà đó chưa?
Nhà vua nhớ ra rằng một lần đi vi hành, ông đã bất ngờ vào thăm nơi ở của vị quan đại thần và tình cờ chứng kiến cảnh vị quan đại thần đó đang ôm vợ. Người đàn bà xuất hiện trước đó chính là vợ của vị quan đại thần. Chuyện này gây ấn tượng rất mạnh với nhà vua. Nghe xong câu chuyện, nhà tiên tri khẳng định rằng giấc mơ ấy là do ma quỷ tạo ra chứ không phải thần Apollo ứng báo gì cả. Nếu như ma quỷ tạo ra thì không đáng tin. Nhà vua có thể kiểm nghiệm điều đó bằng cách cứ tiếp tục giám sát hai người, còn để tránh ma quỷ quấy nhiễu thì nhà vua phải có một sức khỏe tốt.
Nhà vua bình tâm trở lại vì lời của Apollo, nói qua miệng người coi đền của mình là điều thiêng liêng. Ông hồi phục sức khỏe. Giấc mơ kỳ quái đó biến mất và sau khi đã giám sát một năm trời, nhà vua mới tin vào sự trong sáng của người thiếp yêu.
Không chỉ có chuyện tình cảm “đội lốt” trong giấc mơ mà ngay cả những sự việc, những quan hệ khác cũng nhiều khi bị lệch lạc đi trong giấc mơ. Thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều chuyện ly kỳ. Có vị quan đại thần nước Vệ âm mưu giết vua để tiếm ngôi. ông ta bàn bạc điều đó với một vị quan khác. Vị quan kia nhận lời và bày ra rất nhiều mưu mẹo để thực hiện mưu đồ ấy.
Họ quyết định sẽ dụ vua ra khỏi thành để đi săn. Một người sẽ đi theo vào giết vua trong rừng, người còn lại sẽ dẫn quân vào chiếm lấy thành. Mọi chuyện bàn tính xong chỉ còn chờ tiết trời đẹp để hành động. Vị quan vẫn vào triều và ông ta thấy rằng viên cận thần của nhà vua nhìn mình với ánh mắt ngờ vực. Ngay đêm hôm đó, ông ta nằm mơ thấy viên cận thần đó báo với nhà vua âm mưu của mình. Trong giấc mơ, viên đại thần giật mình sợ hãi vì khi viên cận thần quay mặt lại, ông ta nhận ra đó là gương mặt kẻ mưu đồ tiếm ngôi với mình. Tỉnh dậy, ông ta kể lại giấc mơ cho đám võ tướng thân cận và họ quyết định giết viên đại thần kia. Thế là viên đại thần đó chết chỉ vì một giấc mơ lạ lùng.
Macbeth nhìn thấy những bóng ma
Con người trong bất kỳ thời đại nào, nền văn hóa nào cũng thỉnh thoảng gặp kiểu giấc mơ quái lạ như vậy. Thiên tài Shakespears đã khai thác tâm lý bí ẩn này rất hay trong vở Mắcbét lừng danh. Trong vở kịch, ba bóng ma đã khiến cho Macbeth tin vào những hình ảnh kỳ diệu và đầy quyền lực đang chập chờn trước mắt. Những hình ảnh đó tiên báo một giấc mơ đế vương và Macbeth đã không hiểu rằng ma quỷ đã trùm những hình ảnh đẹp đẽ ấy lên những ý nghĩ đen tối và sầu thảm khác. Kết cục là Macbeth quyết định tiếm ngôi nhưng không lâu sau đã bị giết chết.
Khi “tấm da hàng thịt” bị xé ra
Những giấc mơ như trên mặc dù rất bí ẩn đối với chúng ta nhưng lại là những tư liệu vô giá cho các nhà nghiên cứu tâm lý, các nhà phân tâm học. Họ đã tìm được những phương cách giải mã những giấc mơ đặc biệt ấy.
John Black là một chàng trai Mỹ yếu ớt. Khi cậu ta bị tai nạn năm lên 5 tuổi và vùng não của cậu bị chấn thương khá nặng. Tuy vậy, John vẫn phát triển như mọi thanh niên khác. Cậu cũng đi học và đến tuổi dậy thì cậu cũng có quan hệ với những cô gái.
Chính giai đoạn này các giấc mơ ghê gớm đã hành hạ cậu. Những giấc mơ kỳ lạ, tục tằn và khiến cậu xấu hổ đến mức nhiều khi không muốn gặp lại người bạn gái của mình. Sức khỏe của cậu mỗi ngày một sa sút. Người nhà mời bác sĩ đến nhưng vô hiệu. Cậu cắn răng nhất định không kể bất cứ điều gì về các giấc mơ của mình. Cuối cùng thì John cũng được gửi đến một trung tâm trị bệnh của các bác sĩ tâm lý. Thoáng nhìn khuôn mặt tái xanh, thân hình ốm o của cậu, các bác sĩ biết ngay tâm hồn cậu đang có vấn đề.
Dần dần, John bắt đầu kể cho chuyên gia tâm lý nghe về giấc mơ quái đản đó. Trong một giấc mơ, cậu thấy mình cùng bạn gái đang ngồi âu yếm nhau trên quả đồi mà hai người hay đi chơi vào chủ nhật... Nhưng chỉ thoáng chốc, cô bạn của John đột nhiên già đi như một người đàn bà xấu xí, rồi cô ta lại biến thành một người đàn bà khác. Tuy mắt John nhìn thấy rằng, đó là người đàn bà khác nhưng trong đầu anh thì lại khẳng định rằng đó chính là bạn gái của mình...
Trong một giấc mơ khác, John thấy cô bạn không những biến thành một cô gái khác mà lại còn biến thành cả cái bàn viết trong phòng của anh... Trong một giấc mơ khác, khi đang mải mê ân ái với bạn gái thì thoáng chốc, John thấy mình đang ân ái với một khúc cây trước cửa nhà mình... Điều đó làm John rất hoảng sợ và xấu hổ. Các chuyên gia tâm lý chắp nối các giấc mơ lại và họ nhận thấy rằng, những người đàn bà khác, những đồ vật mà trong giấc mơ do bạn gái của John biến thành có mối liên hệ mật thiết với John.
Những người đàn bà kia một là hàng xóm, một là chị họ của John, còn cái bàn cũng ở trong phòng của John, cả khúc cây nữa cũng ở ngay trước cửa nhà John. Như vậy John có thể đã bị xáo trộn ký ức và do đó những hình ảnh phản chiếu cái ký ức đó sẽ diễn ra rất ngẫu nhiên và lộn xộn. Giấc mơ thường phản ánh những ước muốn, hay ký ức của con người. Khi John nằm mơ, cảnh âu yếm với người bạn gái thường diễn ra vì đó là sự ham thích thường trực của John. Nhưng do ký ức của John bị một chấn động nào đó, nên sự “tái hiện” không tuân theo các quy luật tuần tự của thời gian.
Cảnh âu yếm đã tiếp diễn trong mơ sẽ bị một hình ảnh thân thuộc khác thay thế. Có điều trong giấc mơ, hình ảnh ban đầu (tức là hình ảnh của cô bạn gái) biến đi quá nhanh nên cái cảm giác của John vẫn còn. Hình ảnh đến sau (tức là hình ảnh của một người đàn bà, hay một đồ vật khác) không còn mang ý nghĩa của chính nó nữa mà những hình ảnh ấy đã trở thành “cái vỏ” của những cảm giác vẫn còn lưu lại từ trước. Do đó, John đã bị đánh lừa “đôi mắt” trong mơ như vậy. Những giấc mơ hỗn độn ấy cũng có một nguyên tắc là các hình ảnh diễn ra trong mơ thường rất quen thuộc với con người đó.
Để chữa bệnh cho John, người ta lần lượt cho cậu gặp lại những người đàn bà mà cậu nằm mơ thấy. Ban đầu John rất sợ hãi và xấu hổ, tránh gặp họ. Nhưng dần dần, cậu cũng tìm lại được sự cân bằng. Những người đàn bà đó lần lượt gặp John và trò chuyện với anh như những cuộc nói chuyện trước đây. Tâm lý của John trở lại bình thường. Các chuyên gia tâm lý kết luận rằng do thể chất John yếu đuối, cộng với tâm lý kém tự tin trong quan hệ luyến ái với bạn gái nên John thường gặp những giấc mơ như vậy. Người ta giúp cho John phục hồi sức khỏe và có những thông tin cơ bản về tình dục. Cuối cùng John cũng thoát khỏi những giấc mơ kỳ dị đó.
Như vậy, những giấc mơ “Hồn Trương Ba da hàng thịt” thường xuất hiện ở những người có thể chất yếu đuối và không tự tin trong quan hệ tình cảm. Ký ức của họ lộn xộn, không tuân theo các quy tắc nhất định. Họ thường gặp nhiều điều rất quái đản trong giấc mơ và thường xuyên cảm thấy bị xấu hổ khi tỉnh dậy. Do đó, để chữa những giấc mơ ấy, con người cần phải có thể chất tốt và đặc biệt phải sống chân thành, lành mạnh, tự tin với những quan hệ tình cảm của mình.
Cao Luận Cường
MINH THIÊN SƯU TẦM_________________________